Cải cách Hiệp định Lisboa nhằm hạn chế khủng hoảng ngân sách
Chiều nay và ngày mai (28 và 29/10), các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles. Hội nghị hứa hẹn sẽ rất sôi động này có mục tiêu quy định lại các luật chơi của khu vực đồng euro, sau cuộc khủng hoảng Hy Lạp hồi đầu năm.
Đăng ngày:
Trước hội nghị này, Đức và Pháp đã đưa ra đề xuất đình chỉ quyền bỏ phiếu của những nước thành viên nào không tôn trọng các quy định về ngân sách của Liên hiệp. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phần lớn các nước khác chỉ trích kịch liệt.
Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles:
" Thoạt tiên các nước châu Âu có một mục tiêu chung, không thể nào bác bỏ được, đó là làm cho Hiệp ước ổn định và tăng trưởng năm 1997 (được sửa đổi vào năm 2005), nền tảng cho sự vận hành của khu vực đồng euro, trở thành một thiết chế bó buộc. Đây là bài học mà Liên hiệp Châu Âu đã rút ra được sau những trục trặc liên tục và thái độ ích kỷ của các nước, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng Hy Lạp và sự suy giảm lòng tin vào đồng tiền duy nhất của châu Âu.
Tuy nhiên, như đã từng xảy ra nhiều lần tại khu vực này, nếu như những thành viên nhất trí được với nhau về mục tiêu, thì ngược lại, họ bất đồng về các phương pháp để đạt đến mục tiêu này. Pháp và Đức ủng hộ chủ trương áp đặt các biện pháp trừng phạt các quốc gia thành viên cố tình xa rời một cách liên tục các chuẩn mực được lượng hóa của Hiệp ước, trên phương diện thâm hụt ngân sách và nợ tích lũy. Các biện pháp trừng phạt này đi từ nặng đến nhẹ, từ « thuần túy tài chính » đến chỗ đình chỉ quyền bỏ phiếu tại Hội đồng Bộ trưởng Châu Âu.
Tất cả các biện pháp trừng phạt này sẽ chỉ có thể được thông qua, nếu như Hiệp định Lisboa 2005 được xem xét lại. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên khác của Liên hiệp ngờ rằng biện pháp bó buộc sau cùng này sẽ làm cho Liên hiệp bị tê liệt trong nhiều năm, đặc biệt do các diễn biến bất ngờ gắn liền với quá trình phê chuẩn văn bản mới.
Thực tế là, nếu như hiệp định hiện nay có dự tính đến việc tước quyền bỏ phiếu của một nước thành viên, thì điều này vốn chỉ được áp dụng đối với quốc gia nào vi phạm nghiêm trọng quyền con người, mà điều này thì lại tỏ ra không tương xứng với các trường hợp vi phạm ngân sách.
Các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu cũng chỉ ra rằng chính cặp Pháp - Đức trước đây đã từng tước bỏ việc trừng phạt tự động các vi phạm tài chính, một quy định vốn đã có mặt trong Hiệp ước ổn định 1997."
Theo hãng thông tấn Reuters, nhiều nhà ngoại giao cao cấp tham gia vào việc chuẩn bị cuộc hội nghị này cho biết, hiện tại đa số các quốc gia thành viên nghiêng về một cải cách Hiệp định Lisboa trên quy mô hẹp. Ủy ban Châu Âu tỏ ra lưỡng lự với chủ trương cải cách này, vào thời điểm một năm sau khi Hiệp định Lisboa đi vào hoạt động. Xin nhắc lại là, Châu Âu đã phải mất gần 10 năm để có được Hiệp định này.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký