Bầu cử Chilê : Cuộc đọ sức giữa hai đối thủ có nhiều duyên nợ
Chủ nhật tới 17/11/2013, cử tri Chilê sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vòng một và Quốc hội mới. Theo các thăm dò dư luận, ứng cử viên cựu tổng thống Michelle Bachelet cánh trung tả chiếm ưu thế tuyệt đối với 47% cử tri dự định bầu. Đối mặt với bà Bachelet có tám ứng viên, trong đó người có nhiều ảnh hưởng nhất, bà Evelyn Matthei, chỉ nhận được 14% cử tri ủng hộ. Ứng cử viên Bachelet rất có khả năng giành chiến thắng ngay trong vòng một.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Được ủng hộ bởi một liên minh rộng lớn, mang tên “Đa số mới”, tập hợp một loạt đảng phái chính trị, từ đảng Cộng sản, Dân chủ-Thiên chúa giáo và các nhóm phái thuộc đảng Xã hội, ứng cử viên cựu Tổng thống chỉ phải đối mặt với một cánh hữu suy yếu, với nhiều mâu thuẫn nội bộ và việc nhiều thành viên cánh này ra đi.
Sau bốn năm cầm quyền khó khăn, Tổng thống mãn nhiệm Sebastian Pinera, không thể trực tiếp ra tranh cử ngay lần nữa, theo quy định của Hiến pháp, đã quyết định đưa lên tuyến đầu Evelyn Matthei, ứng cử viên nữ đầu tiên thuộc phe bảo thủ tranh cử chức tổng thống . Theo nhận định của một giáo sư Đại học Santiago, thì “cuộc khủng hoảng của cánh hữu Chilê là sâu sắc. Ứng cử viên Matthei thậm chí có thế không nhận được sự ủng hộ của chính các thành phần cử tri truyền thống của cánh hữu”. Bản thân ứng viên Matthei chỉ được cánh hữu lựa chọn sau khi các ứng viên khác đã bỏ cuộc.
Chương trình tranh cử của phe hữu in đậm dấu ấn của dịp kỷ niệm 40 năm ngày Tướng Pinochet làm đảo chính lập ra chế độ độc tài quân sự (1973-1990). Quá khứ thời Pinochet tiếp tục ám ảnh đời sống chính trị Chilê. Chính Tổng thống mãn nhiệm Pinera đã chỉ trích “sự thụ động của phe hữu”, giữ im lặng trong thời kỳ độc tài, khi gần 3.200 người bị giết hại và 28.000 người bị tra tấn cực hình, theo một thống kê. Tổng thống mãn nhiễm cũng cáo buộc nữ ứng viên Tổng thống đã phạm “sai lầm” trong quá khứ khi ủng hộ chế độ độc tài quân sự trong cuộc trưng cầu dân ý 1988. Cuộc trưng cầu kể trên rốt cục đã dẫn đến nền dân chủ vào năm 1990.
Một hiến pháp mới chấm dứt di sản Pinochet
Nữ ứng cử viên trung tả, cựu Tổng thống Michelle Bachelet, khép lại chương trình tranh cử vòng hai vào tối qua, 14/11, tại công viên Quinta Normal, Santiago. Trước 10.000 người ủng hộ, bà Michelle Bachelet kêu gọi nỗ lực cao độ để giành chiến thắng. Theo những người quan sát, cuộc mít tinh tranh cử cuối cùng ủng hộ nữ cựu Tổng thống giống với một buổi hòa nhạc lớn hơn là một cuộc tập hợp chính trị. Nữ ứng viên Michelle 62 tuổi nhảy cumbia, mambo và ngân nga hát các bài hát lịch sử của cánh tả Chilê, cùng với phần trình diễn của một ban nhạc.
Ứng cử viên Bachelet cho biết : “Bất bình đẳng là vết thương lớn nhất của Chilê”. Chương trình cải cách mà bà Bachelet muốn thực hiện đặc biệt liên quan đến giáo dục, hệ thống thuế. Cựu Tổng thống cũng dự kiến một hiến pháp mới để thay thế bản hiến pháp mang dấu ấn của chế độ độc tài Pinochet.
Ứng viên trung hữu muốn theo mô hình Bắc Âu
Ứng viên cánh hữu, bà Evelyn Matthei, 60 tuổi, từng là Bộ trưởng Lao động trong chính phủ của ông Pinera, đưa ra một chương trình bảy điểm theo xu hướng trung hữu, nhấn mạnh đến việc người dân cần phải được hưởng công bằng trong giáo dục, khuyến khích tạo việc làm, và thậm chí tài trợ cho các phương tiện giao thông cộng cộng. Theo nhà xã hội học Eugenio Tironi, “Chương trình tranh cử của bà Matthei là thuộc cánh trung, thậm chí gần như là xã hội-dân chủ. (…) Bà ấy tuyên bố điều mà bà ấy muốn là một mô hình xã hội gần với các nước Bắc Âu hay Đức. Đây là một ý tưởng bắt đầu ngấm vào nội bộ cánh hữu, bắt đầu từ kinh nghiệm của nữ ứng cử viên khi tham gia chính phủ”.
Vẫn theo nhà xã hội học kể trên, cánh hữu biết không chiến thắng được trong bầu cử Tổng thống, nên muốn tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội, để hy vọng cản đường các cải cách của Bachelet sau đó. “Hệ thống bầu cử rất đặc biệt của Chilê cho phép một thiểu số có khả năng phủ quyết gần như tuyệt đối”, theo Eugenio Tironi.
Nỗi lo ít cử tri đi bầu và trận chiến kiểm soát Quốc hội
Cho đến năm 2012, đi bầu cử là nghĩa vụ bắt buộc tại Chilê. Còn từ giờ trở đi, đi bầu là việc tự nguyện, kể cả việc đăng ký vào danh sách bầu cử. Như vậy, không thể biết chắc được bao nhiêu phần trăm trong số 13 triệu rưỡi cử tri sẽ đi bầu, cho dù kết quả chung cuộc chắc chắn sẽ không gây ngạc nhiên. Tất cả các ứng cử viên đều lo ngại một tỷ lệ lớn cử tri không thực hiện quyền bỏ phiếu. Vẫn theo nhà xã hội học Eugenio Tironi, bí ẩn duy nhất là không biết liệu ứng cử viên cựu Tổng thống Bachelet có chiến thắng ngay trong vòng một hay không.
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OCDE), Chilê với tỷ lệ tăng trưởng 4,2% năm 2013, là một nền kinh tế vững chãi. Thu nhập bình quân đầu người là hơn 20.000 đô la, cao nhất trong các nước Châu Mỹ Latinh.
Nếu như kết quả bầu cử Tổng thống Chilê không hứa hẹn bất ngờ, thì khả năng thực thi chính sách của chính phủ mới và mức độ thực thi các cải cách hứa hẹn phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện cũng diễn ra trong ngày chủ nhật. Toàn bộ Hạ viện và một nửa Thượng viện sẽ được bầu lại.
Michel Bachelet : Con người hòa giải và hướng đến người nghèo khổ
Trong những năm 1980 dưới chế độ độ tài Pinochet, nhờ một học bổng, Michelle Bachelet từng được theo học nhi khoa và y tế công, và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ các trẻ em là nạn nhân của chế độ độc tài. Trong cuộc quá độ dân chủ năm 1990, bà làm việc với tư cách bác sĩ trong ngành lĩnh vực công, đồng thời nghiên cứu về quân sự và quốc phòng. Bà có một năm học tập tại Washington trong ngành quốc phòng, trước khi đảm nhiệm chức Bộ trưởng Y tế vào năm 2000, rồi Bộ trưởng Quốc phòng hai năm sau.
Thời gian Michelle Bachelet làm việc để thúc đẩy cuộc đối thoại giữa giới dân sự và giới quân sự, trong một quốc gia khao khát hòa giải sau chế độ độc tài, khiến nữ Tổng thống tương lai có được một ảnh hưởng hết sức rộng rãi.
Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, với tỷ lệ dân chúng ủng hộ rất cao ngay cả khi đã mãn nhiệm, Michelle Bachelet làm việc tại New York, với tư cách giám đốc điều hành của tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc. Sống tại nơi điều kiện đầy đủ, nhưng bà Bachelet vẫn luôn hướng về Chilê, đặc biệt là tầng lớp những người đau khổ nhất trong xã hội, nhất là trong giới nữ. Theo nhà chính trị học Mauricio Morales, khả năng đồng cảm và sức mạnh đặc biệt của ứng cử viên Barthelet khiến tầng lớp những người nghèo khó dành cho bà một “tình yêu” “gần như là tuyệt đối”.
Quá khứ chung kỳ lạ của hai đối thủ
Hai ứng viên Tổng thống Chilê có nhiều điều giống nhau thuở nhỏ. Hai người đều trải qua thời thơ ấu trong doanh trại, vì có bố là sĩ quan. Theo các nhà quan sát, chính thời thơ ấu này đã tạo ra ở hai người phụ nữ một số tính cách chung, như ý thức kỷ luật, nghĩa vụ và lòng ham thích học tập.
Trong cú đảo chính quân sự của Pinochet năm 1973 (chống lại chính quyền cánh tả Allende được bầu lên qua con đường dân chủ), cha của bà Bachelet – một viên tướng không quân, người thân cận với Tổng thống Salvador Allende - bị bắt, bị kết tội phản bội và chết trong tù vì tra tấn. Bachelet tiếp tục theo học nghề y và bí mật giúp đỡ những người bị chế độ độc tài đàn áp. Bản thân Michelle Bachelet cùng mẹ bị bắt và bị tra tấn, vì những hành động này. Tuy nhiên, không bao giờ bà Bachelet gợi đến hồi ức đau đớn này trước công chúng. Bà Bachelet chưa bao giờ nói đến các tra tấn mà bà phải chịu, khi bà 24 tuổi. Trong một buổi tưởng niệm các nạn nhân cú đảo chính 40 năm về trước, Michelle Bachelet chỉ nói bà tham gia với tư cách “người còn sống sót” của nhà giam Villa Grimaldi. Trong quá trình tranh cử Tổng thống, cả hai nữ ứng cử viên đều chọn giữ im lặng về giai đoạn chế độ độc tài.
Theo nhà báo Rocio Montes, đồng tác giả cuốn “Các con gái của tướng”, các tác giả đã ngạc nhiên khi biết rằng hai người cha của bà Bachelet và bà Matthei không chỉ cùng phục vụ trong không quân Chilê, trước cú đảo chính Pinochet, mà họ còn là bạn thân. Trả lời AFP, tác giả cuốn sách cho biết cuộc bầu cử chủ nhật tới chứa đựng “những yếu tố vô cùng kịch tính và khó tin, (với hai ứng viên) có chung một tuổi thơ trong những năm 1950, rồi trở thành đối thủ của nhau” trong một cuộc tranh cử Tổng thống.
Gia đình Michelle Bachelet và giới tư pháp Chilê đều thừa nhận rằng, nếu như cha của Evelyn Matthei, Tướng Fernando Matthei từng là giám đốc Học viện Quân sự - nơi bố bà Bachelet bị giam giữ và qua đời -, thì người này không phải là thủ phạm trực tiếp gây nên cái chết của Tướng Bachelet. Bản thân Tướng Matthei sau này đã bày tỏ sự hối tiếc khi đã không giúp được gì cho người bạn đồng ngũ, thì cũng chính viên tướng trung thành với Pinochet đã từng đứng ra bảo đảm để Michelle Bachelet và mẹ trở về Chilê năm 1979.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký