CHÂU ÂU - CHÍNH TRỊ

Tân chính phủ Ý bị dư luận cho là « thiếu kinh nghiệm »

Tân Thủ tướng Matteo Renzi (phải) trong lễ tuyên thệ, quảng trường Quirinale, Roma, 22/02/2014.
Tân Thủ tướng Matteo Renzi (phải) trong lễ tuyên thệ, quảng trường Quirinale, Roma, 22/02/2014. Ảnh REUTERS/Remo Casilli

Hôm nay 22/02/2014, tân Thủ tướng Ý Matteo Renzi, 39 tuổi, tuyên thệ nhậm chức cùng với các bộ trưởng trong chính phủ mới. Chính phủ mới với 16 bộ trưởng bao gồm một nửa là phụ nữ và là chính phủ có tuổi đời trung bình thấp nhất kể từ sau Thế chiến Hai. Thế nhưng, trong công luận Ý có rất nhiều hoài nghi về triển vọng thay đổi chính phủ giữa chừng này sẽ « mang lại lòng tin » cho xã hội, như điều mà tân Thủ tướng khẳng định.

Quảng cáo

Giám đốc tờ Republicca, một tờ báo lớn của nước Ý nhận định, « chính phủ Renzi nhiều gương mặt mới, nhưng ít cây đại thụ. Nhiều phụ nữ và nhiều người trẻ, đây là một dàn bộ trưởng để phục vụ cho riêng một lãnh đạo », một chính phủ của ông Renzi. La Stampa nhận định chính phủ mới phần đông là các chính trị gia ít kinh nghiệm, và trong dàn bộ trưởng vắng mặt

Trong số hai phần ba số bộ trưởng mới trong chính phủ, gương mặt được coi là đáng nể trong tân chính phủ là ông Pier Carlo Padoan, 63 tuổi, kinh tế gia trưởng, nhân vật số hai của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Điều gây sốc là nguyên Ngoại trưởng dày dạn kinh nghiệm, bà Emma Bonino, bị phế truất, thay thế vào đó là một người thân cận với Thủ tướng Renzi.

Một ngạc nhiên khác là sự ra đi của nguyên Bộ trưởng Hội nhập, nữ bác sĩ gốc Congo Cécile Kyenge. Cựu Bộ trưởng Hội nhập được coi là đã thành công trong việc đối mặt với các tấn công quyết liệt mang tính phân biệt chủng tộc, từ phía Liên minh phương Bắc, đảng đối lập chống Châu Âu và chống người nhập cư.

Theo giới quan sát, một điều đáng tiếc là chính phủ mới không có sự tham gia của thẩm phán Nicola Gratteri, trợ lý của Chưởng lý Reggio Calabria, biểu tượng của cuộc chiến chống mafia. Theo báo chí Ý, Tổng thống Napolitano không muốn có một thẩm phán đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tư pháp…

Tương lai của chính phủ Ý, được thành lập sau cú đảo chính nội bộ của đảng Xã hội, hết sức khó đoán định. Bàn thân Thủ tướng Renzi thừa nhận « chúng tôi không chỉ mạo hiểm con đường thăng tiến của bản thân, mà cả vận mạng của chúng tôi ». Theo giám đốc tờ Republicca, ông Renzi, « nghệ sĩ làm xiếc, đang đi trên một sợi dây mỏng manh, mà bên dưới không có lưới bảo hiểm. Chúng ta hy vọng ông ấy thành công, bởi vì tiếp theo ông ấy, sẽ chỉ còn có các anh hề mỵ dân ».

Còn báo La Stampa nghi ngờ khả năng tác động của chính phủ đến « cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của nước Ý kể từ Thế chiến Hai », với món nợ khổng lồ hơn 130% GDP và tỷ lệ tăng trưởng âm trong hai năm qua (riêng quý 4 năm 2013 tăng trưởng + 0,1).

Tân chính phủ liên minh tả-hữu của nước Ý còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng Viện rồi Hạ Viện vào ngày thứ Hai 24/02 tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế