Iran : Hai ngày trước cuộc bầu cử Quốc Hội rất được trông đợi
Ngày thứ Sáu, 26/02/2016, hơn 54 triệu cử tri Cộng Hòa Hồi Giáo Iran được kêu gọi bầu Quốc Hội mới. Đối thủ chính của cuộc chạy đua vào Quốc Hội là phe ôn hòa hay cải cách của tổng thống Rohani và phe bảo thủ, trung thành với lãnh tụ tối cao Khamenei, chống lại chính sách cởi mở của tổng thống.
Đăng ngày:
Phe cải cách gặp rất nhiều trở lực trong cuộc đọ sức này. Theo một giới chức bộ Nội Vụ Iran, được AFP dẫn lại, khoảng 6.300 ứng cử viên được Hội Đồng Bảo Vệ Cách Mạng chấp nhận tham gia cuộc tranh cử giành 290 ghế nghị sĩ. Hàng nghìn người thuộc phe cải cách đã bị cơ quan này loại khỏi cuộc đua. Bên cạnh đó, một bộ phận dân chúng mất lòng tin vào các cải cách của chính phủ Rohani.
Hai cựu tổng thống Khatami và Rafsandjani kêu gọi cử tri bỏ phiếu đông đảo để ủng hộ các ứng cử viên cải cách. Trong cuộc bầu cử năm 2013, hai nhân vật nói trên đã có vai trò rất quan trọng trong việc tổng thống Rohani đắc cử. Nếu dành chiến thắng, phe ôn hòa sẽ cùng lúc kiểm soát được cả hai nhánh hành pháp và lập pháp.
Hôm nay, 24/02 là ngày tranh cử cuối cùng, đặc phái viên của RFI Daniel Vallot mặt trong cuộc mít tinh cuối cùng của phe bảo thủ Teheran :
« Các ứng cử viên bảo thủ tự gọi mình là những người " nguyên tắc ", bởi họ trung thành với những nguyên tắc của cuộc cách mạng Hồi Giáo, trái ngược với phe ôn hòa, bị buộc tội là xa rời lập trường cách mạng.
Quan điểm của phe ‘‘ nguyên tắc " là gì ? Họ lặp đi lặp lại không biết mệt, kể từ đầu cuộc tranh cử đến nay, cùng một luận điểm. Đó là với thỏa thuận về hạt nhân, Iran đang mất chỗ đứng trên trường quốc tế và có nguy cơ bị phương Tây ảnh hưởng.
Trên thực tế, đa số quần chúng của phe bảo thủ, mà RFI có điều kiện gặp, lại cho rằng thỏa thuận về hạt nhân là có lý. Họ cảm thấy rõ ràng là đa số dân chúng Iran ủng hộ thỏa thuận này. Điều mà những người bảo thủ hy vọng rốt cục là tránh để cho ra xã hội Iran mở ra quá rộng và quá nhanh. Để làm được điều này, cần phải đưa vào Quốc Hội mới nhiều nghị sĩ bảo thủ, để cân bằng lại ở một mức độ nhất định đà cải cách, mà tổng thống Rohani thúc đẩy.
Một luận điểm rất thường được các ứng cử viên phe bảo thủ sử dụng là sự yếu ớt của nền kinh tế Iran. Bất chấp các hứa hẹn của ông Rohani, tỉ lệ thất nghiệp rất cao, tăng trưởng 0%. Đáp lại quan điểm này, những người ủng hộ tổng thống Iran trả lời, hiện còn quá sớm để Iran có thể hưởng được các hệ quả tích cực của thỏa thuận Vienna về hạt nhân và từ việc dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế nhắm vào Teheran cho đến nay ».
Song song với cuộc bầu cử Quốc Hội là cuộc bầu Hội Đồng Chuyên Gia, nhiệm kỳ 8 năm, gồm 88 thành viên, có sứ mạng bầu ra người kế nhiệm lãnh tụ tối cao, giáo chủ Ali Khameini, 76 tuổi, trong trường hợp người này qua đời hoặc từ nhiệm. Hội Đồng Bảo Vệ Cách Mạng Iran chỉ cho phép 166 người, trong số 801 ứng cử viên, được tranh cử vào Hội Đồng Chuyên Gia.
Lãnh tụ tối cao Iran là một chức vụ có vai trò bao trùm, cả về tư pháp, hành pháp, lập pháp, đồng thời nắm quyền quản lý quân đội và truyền thông.
Hiện tại, ý tưởng về một Hội Đồng lãnh đạo thường trực, trong khi vắng chức lãnh đạo tối cao cũng đang được thảo luận.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký