Tạp chí tiêu điểm

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thời Erdogan từ đỉnh cao rơi vào khủng hoảng?

Đăng ngày:

Trong vài năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tâm điểm của thời sự quốc tế do vai trò hết sức phức tạp của quốc gia này trong chiến tranh tại Syria, sau khi chính quyền Damas đàn áp phong trào đòi dân chủ năm 2011. Hậu thuẫn cho nhiều nhóm đối lập vũ trang, Ankara đồng thời bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố, kể cả Daech. Đó là chưa kể cuộc chiến chống lại các phong trào Kurdistan trong nước và bên kia biên giới, bạo lực, đàn áp, khủng bố diễn ra thường xuyên trong nước. Quốc gia vốn được coi là một trụ cột của NATO, một ứng cử viên tiềm năng vào Liên Hiệp Châu Âu, trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Vì sao một đất nước từng được coi là vững bước trên con đường dân chủ và có nền kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên đầu của thế kỷ 21 lại đột ngột rơi vào khủng hoảng, thậm chí bên bờ vực tan vỡ, vô cùng nhanh chóng như vậy ?

Một cuộc biểu tình ủng hộ ông Erdogan, lãnh đạo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cuộc biểu tình ủng hộ ông Erdogan, lãnh đạo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Reuters
Quảng cáo

Vị trí địa lý đặc biệt, với đường biên giới tương đối bằng phẳng trên bộ hơn 700 km với lò lửa chiến tranh Syria kề bên, chắc chắn có thể coi là một yếu tố « bất lợi » về mặt tự nhiên đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Những quan hệ lịch sử, tôn giáo lâu đời giữa cư dân Thổ Nhĩ Kỳ với các cộng đồng bên kia biên giới nằm trong đế chế Ottoman xưa kia cũng có thể được coi là một yếu tố khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cuốn vào cuộc xung đột ngoài ý muốn.

Theo nhà báo Alain Frachon của Le Monde, chuyên về Trung Đông (bài « Thổ Nhĩ Kỳ trong cơn hỗn loạn », Le Monde, ngày 16/10/2015), có hai yếu tố chính có thể dùng để giải thích quá trình trượt vào vòng xoáy khủng hoảng không lối thoát của Thổ Nhĩ Kỳ : thứ nhất là « sự lạc hướng đi theo con đường độc đoán của ông Erdogan », nguyên thủ tướng và đương kim tổng thống đầy uy quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, và hai là « cách thức mà Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào cuộc chiến tại Syria ».

 

Sau khi giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 11/2015 do thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2015, với sự trỗi dậy của đảng cánh tả ôn hòa thân Kurdistan HDP, đảng AKP (đảng Công Lý và Phát Triển) của tổng thống Erdogan đã giành lại được đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền Erdogan vẫn tiếp tục đi hết từ bế tắc này đến bế tắc khác, và dường như đã đánh mất khả năng hành động nhất quán trong nhiều lĩnh vực.

 

 

Để giải mã cho câu hỏi vì sao Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan từ đỉnh cao rơi vào khủng hoảng, tạp chí tiêu điểm tuần này xin giới thiệu với quý vị một số phân tích của Ahmed Insel, nhà chính trị học người Pháp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên phó hiệu trưởng Đại học Paris I. Ông là tác giả cuốn « Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới của Erdogan. Từ giấc mơ dân chủ đến sự lạc hướng độc tài » (Nxb Éditions La Découverte, 2015).

 

Trong cuốn sách nói trên, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến bước ngoặt cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi đảng AKP của ông Erdogan cầm quyền từ năm 2002, quay lưng lại với khát vọng dân chủ hóa, từng khiến cho đảng này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều tầng lớp trong xã hội, để khuyến khích xu thế độc tôn hệ phái Hồi Giáo Sunni, văn hóa Thổ, phục dựng các truyền thống thời đế chế, với tham vọng xây dựng thành công một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới, mà trong đó nhà lãnh đạo Tayyip Erdogan được tôn vinh như là « Người Cha » của dân tộc.

 

Ảo ảnh về một nước Thổ vĩ đại

 

Trước hết mời quý vị nghe một phân tích của nhà chính trị học Ahmed Insel về một bước ngoặt chuyển biến quan trọng của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ thời Erdogan :

 

« Bắt đầu từ 2007, có nhiều yếu tố can thiệp vào chuyện này. Một mặt là khủng hoảng tại châu Âu, mặt khác là xu hướng đóng cửa trở lại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng Tayyip Erdogan  và đảng bảo thủ cầm quyền đã bị lóa mắt bởi ảo tưởng sức mạnh, bởi tham vọng trở nên vĩ đại.

 

Vào những năm 2010 – 2011, Thổ Nhĩ Kỳ ở vào giai đoạn đỉnh cao trên trường quốc tế, kể từ đó bắt đầu xuất hiện một xu hướng ý thức hệ mới. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ không cần đến một châu Âu già nua. Chúng ta là một thế hệ trẻ mới, đang trở nên hùng mạnh, chúng ta sẽ trở thành một cường quốc khu vực mới, thậm chí có thể là một cường quốc toàn cầu mới. Sẽ có sự phân chia lại vai vế trên trường quốc tế, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một vị trí cao. Chính cách nghĩ này đã dẫn Thổ Nhĩ Kỳ đến tình trạng hết sức bị cô lập trên trường quốc tế » (trong chương trình tạp chí Carrefour de l'Europe/Ngã tư của châu Âu).

 

Trong chương cuối của cuốn « Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới của Erdogan. Từ giấc mơ dân chủ đến sự lạc hướng độc tài », nhà chính trị học Ahmed Insel dẫn lại tham vọng trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ, qua tuyên bố của ngoại trưởng nước này hồi đầu thập niên 2010 : « Trở thành một quốc gia được thế giới lắng nghe, chứ không phải là một quốc gia buộc phải nghe lời các nước lớn trên thế giới ». Khát vọng có thể là chính đáng, nhưng bằng con đường nào Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt mục tiêu?

 

Phần nào để thay cho dự án hội nhập vào châu Âu bị chững lại – do nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài – chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đưa đất nước trở thành một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2023, tức vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập chế độ Cộng hòa. Ông Erdogan khẳng định quyết tâm đưa GDP quốc gia tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011, tức một tỉ lệ tăng trưởng trung bình gần 10%/năm ! Nhiều dự án vĩ đại được khởi công để cho thấy dấu ấn của đảng cầm quyền.

 

Đối với chính quyền Erdogan, nước Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại mới sẽ là sự tiếp nối huy hoàng của nền văn minh đế chế Thổ-Ottoman ngàn năm. Tại Đại hội của đảng AKP năm 2012, ông Erdogan đã đặt ra các mục tiêu phấn đấu cho nước Thổ vào năm 2071, tức dịp kỷ niệm 1.000 năm ngày người Thổ đánh bại người Đông La Mã tại xứ Anatolia - khu vực trung tâm của nước Thổ hiện đại. Đến năm 2013, trong thời gian tranh cử địa phương, cái mốc 2053 lại được đảng của ông Erdogan đề ra như một mục tiêu trung gian. 2053 là kỷ niệm 600 năm ngày người Thổ chiếm được thành phố Constantinople từ tay đế chế Đông La Mã. Ahmed Insel nhận xét : « 2023, 2053, 2071 là ba thời điểm cho phép đảng AKP in được dấu ấn vào một dòng chảy lịch sử rất dài và với mục tiêu khôi phục thời hoàng kim của nền văn minh (Thổ), mà ở đó giai đoạn nền Cộng hòa do nhà lãnh đạo Mustafa Kemal lập nên chỉ là một khúc quanh nhỏ » (trang 149).

 

Erdogan : Người Cha mới của dân tộc

 

Gột bỏ dần dần di sản dân chủ, cộng hòa, thế tục của chế độ do Mustafa Kemal sáng lập, lãnh đạo đảng AKP, ông Tayyip Erdogan, muốn khẳng định không chỉ như một người hùng mới, mà còn sẵn sàng chuẩn bị thế chỗ của người sáng lập nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, thường được tôn vinh với danh xưng huyền thoại « Ataturk » (tạm dịch là « Người Cha (của nước) Thổ »). Nếu như tên tuổi của Ataturk gắn với thủ đô Ankara, ông Erdogan muốn đồng nhất mình với Istanbul, thủ phủ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại thành phố này, ông Erdogan cho xây dựng một thánh đường Hồi Giáo khổng lồ, có thể sẽ mang tên ông.

 

Bài diễn văn nhậm chức tổng thống năm 2014 của Tayyip Erdogan để lại một ấn tượng : Lãnh đạo đảng AKP không chỉ là người đứng đầu đất nước, mà còn là một đấng quân vương của xứ sở này. Nhà chính trị học Ahmed Insel ghi nhận nhiều ý nghĩa tôn giáo được nhắc gợi trong diễn văn nói trên đã mang lại một vầng hào quang thần thánh cho người vừa đắc cử ("Elu") (trang 145).

 

Tác giả Ahmed Insel lý giải về sự chuyển hướng độc tài của nhà lãnh đạo Erdogan :

 « Trên thực tế, có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khi ông ta tỏ ra là người đóng vai trò đoàn kết rất giỏi. Vai trò của Tayyip Erdogan đã được đánh giá cao. Tại châu Âu cũng như trong công luận quốc tế, Erdogan từng được coi là một hình tượng gần như là mẫu mực cho các quốc gia Hồi Giáo. Điều này không hoàn toàn là sai. Ông Erdogan đã tiến hành những thay đổi dân chủ thực sự, chuẩn bị cho việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, trong khi vẫn là một người theo quan điểm bảo thủ, chủ trương một chính sách kinh tế tân tự do, hướng về thị trường. Tóm lại, ông là một người cánh hữu dân chủ, dù ta có thể phê phán, nhưng vẫn là một người dân chủ. Tuy nhiên, kể từ những năm 2007-2008, sau khi loại trừ những người sáng lập đảng, nhóm lãnh đạo đảng cầm quyền, Erdogan còn lại một mình, cô độc.

 

Tuy nhiên, việc giành chiến thắng trong ba kỳ bầu cử liên tiếp, với kết quả mỗi lần một tỷ lệ cao hơn, trong không khí uy tín dâng cao như vậy Erdogan đã bị say men chiến thắng » (trong chương trình RFI giới thiệu sách).  

 

Trong phần kết luận cuốn sách, nhà chính trị học nhận xét, « trong sự lạc hướng độc tài của đảng AKP, khó mà tách bạch được ra những gì gắn với các quan niệm truyền thống của Hồi Giáo chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nói chung với những gì thuộc về nhân cách của ông Erdogan, tính khí, văn hóa chính trị của cá nhân ông. Nhưng chắc chắn là cách nhìn thế giới của Erdogan, đặc biệt với mặc cảm về một bản sắc bị tổn thương, do bị loại trừ, bị đàn áp (tình cảm thực sự hoặc chỉ là giả tưởng), khí chất dễ nổi nóng, dễ phản ứng mạnh, không chấp nhận phê bình, đồng thời rất chuộng việc giao giảng luân lý, tất cả những điều đó đã có vai trò rất nhiều trong việc làm gia tăng xu hướng độc đoán » của chính quyền AKP (trang 158).

 

Đảng cầm quyền phục hưng tôn giáo dân tộc, coi dân chủ chỉ là công cụ

 

Kể từ đầu những năm 2010, đảng AKP « không chỉ loại trừ các biểu hiện phương Tây, chủ nghĩa quốc gia, thế tục ra khỏi chủ thuyết về nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, (…) mà thậm chí còn xa rời cả tinh thần bảo thủ (ôn hòa – người viết) của cánh hữu Thổ Nhĩ Kỳ, để đầu tư vào một dự án khôi phục lại nền văn minh dân tộc – Hồi Giáo lâu đời » (trang 159-160). Xu thế này đã ngăn không cho AKP trở thành một đảng dân chủ Hồi Giáo – tương tự như các đảng chính trị Thiên Chúa Giáo thế tục phương Tây.

 

Nhà chính trị học chỉ ra ba gương mặt rất khác nhau của đảng AKP trong thời kỳ đầu (trang 144) : đối với giới trung lưu ở đô thị đó là một đảng « bảo thủ - tự do », đối với phương Tây, « một đảng dân chủ - tự do », còn đối với các cử tri Hồi Giáo, AKP là một đảng dân tộc Hồi Giáo. Chính tính đa diện – « tự do về kinh tế, bảo thủ về văn hóa, và có phần dân chủ về chính trị » -  đã từng tạo cho AKP một sức hấp dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, trong những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ 21, mặt độc đoán và Hồi Giáo của AKP ngày càng nổi trội.

 

Từ chỗ hoạt động theo quy chế dân chủ, thắng cử trong một chế độ dân chủ và trở thành đảng lãnh đạo một quốc gia dân chủ, AKP ngày càng trở nên một công cụ cho ông Erdogan và phe cánh của ông thực hiện các tham vọng riêng. « Nhiều chính trị gia từng tham gia thành lập AKP, nhưng rời xa đảng này cuối những năm 2000, nhấn mạnh tới khoảng cách lớn giữa không khí dân chủ thời kỳ đầu và tình trạng hiện nay » (trang 145). Theo họ, AKP đã không làm thay đổi định chế quốc gia mang tính độc đoán trước đây, mà trên thực tế, chỉ « đẩy những người nắm quyền cũ ra khỏi bộ máy, để thế chỗ », nhưng « không thực sự thay đổi cấu trúc quyền lực và di sản chính trị (có tính chất độc đoán trước đó – người viết) ».

Bản đồ kết quả bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 2014. Màu vàng là những nơi ông Erdogan chiến thắng. Màu đỏ thuộc ứng cử viên liên đảng Cộng Hòa của Nhân Dân và đảng dân tộc chủ nghĩa MHP. Màu tím là của ứng viên đảng thân Kurdistan HDP.
Bản đồ kết quả bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 2014. Màu vàng là những nơi ông Erdogan chiến thắng. Màu đỏ thuộc ứng cử viên liên đảng Cộng Hòa của Nhân Dân và đảng dân tộc chủ nghĩa MHP. Màu tím là của ứng viên đảng thân Kurdistan HDP. Ảnh : Wikipédia

 

Sự tiếp nối của truyền thống độc đoán trong chính trị của AKP xuất phát từ một quan niệm coi dân chủ chỉ là « công cụ ». Theo người sáng lập và nguyên phó chủ tịch đảng AKP, Dengir Mir Firat, « ông Erdogan chỉ coi dân chủ là việc chấm dứt các áp lực nhắm vào người Hồi Giáo » (trang 146). Vẫn theo cựu lãnh đạo AKP, không chỉ ông Erdogan có quan điểm thực dụng này, mà việc coi dân chủ là phương tiện đã là một quan điểm được chia sẻ rộng rãi trong xã hội, kể cả các đối thủ của đảng AKP, không thuộc phe Hồi Giáo. Đây là một truyền thống lịch sử của chính chế độ Cộng Hòa (thế tục) Thổ Nhĩ Kỳ. « Một khi các nhân tố mang tính đàn áp và loại trừ nhắm vào những người theo đạo Hồi thuộc sắc tộc Thổ được loại bỏ, tinh thần độc đoán chuyên quyền của đảng AKP nổi lên bình diện thứ nhất », các « nạn nhân » trước đây giờ lại trở thành những kẻ đàn áp.

 

Nền độc tài từ dưới lên

 

Tính chất độc đoán của chính quyền Erdogan không chỉ xuất phát từ đảng cầm quyền :

 

« Bất hạnh thay, tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tồn tại cả một nền thống trị độc tài từ dưới lên, từ một bộ phận của xã hội. Một bộ phận của xã hội thì thay đổi, như phong trào Gezi – một phong trào phản kháng bùng nổ năm 2013 hay quá trình đô thị hóa… Nhưng một bộ phận khác trong xã hội thì rất co cụm, sợ hãi bị mất các thành quả, sợ đạo Hồi bị mất đi vai trò trong lĩnh vực chính trị. Người ta lo sợ rằng các thành phần sùng tín, ngoan đạo bị loại ra khỏi hệ thống quyền lực. Xung quanh ông Erdogan có rất nhiều người thân thích lo sợ bị mất đặc quyền, đặc lợi ».

 

 

Tuy nhiên, vẫn theo tác giả cuốn « Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới của Erdogan », « không thể nào hiểu được thứ chủ nghĩa độc đoán (chính trị) này nếu không xem xét các trợ lực cho sự độc đoán xuất phát từ chính xã hội. Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ vốn rất khó chấp nhận chung sống với sự đa dạng ». Nhà chính trị học đi ngược về lịch sử của nước Thổ với lý giải : khát vọng một cộng đồng thuần nhất được phổ biến rất rộng rãi trong xã hội và đã có mặt ngay từ thời khởi đầu của chế độ Cộng hòa do Ataturk dựng lên, với chủ trương « một dân tộc rất thuần nhất, với một tiếng nói duy nhất, một văn hóa duy nhất, một lịch sử, và một lãnh tụ duy nhất » (trang 149).  Người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc sắc tộc Kurdistan chính là nạn nhân số một của quan niệm sùng bái tính thuần nhất cộng đồng trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Đi xa hơn nữa, Ahmed Insel lột tả một động lực khác, tạo cơ sở cho nền độc tài Erdogan : đó là « một mặc cảm thua cuộc sâu xa (identité victimaire) » của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, một tình cảm rất phổ biến trong xã hội, nhưng không được bày tỏ đầy đủ. Mặc cảm bị phương Tây đe dọa, người Kurdistan đe dọa, xung đột lịch sử với người Armenia, về chế độ thế tục độc tài trước đây, khi người theo Hồi Giáo bị khinh thị… Lãnh đạo AKP Tayyip Erdogan đã rất khôn khéo khai thác tâm lý phục thù có mặt trong nhiều tầng lớp xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

 

***

 

Nhà chính trị học Ahmed Insel chia sẻ một nhận định u ám, nhưng ắt hẳn chứa đựng nhiều sự thật về viễn cảnh chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Erdogan :

 

« Tôi cho rằng điều quan trọng trong biến chuyển này là việc ông ta đã tại vị quá lâu. Ông ta có nỗi ám ảnh lớn về nguy cơ bị mất quyền lực.

 

Ngầm ẩn đằng sau, còn có vấn đề các cáo buộc tham nhũng, với các bằng chứng tương đối nặng nề. Tayyip Erdogan đã cố gắng bóp nghẹt các cáo buộc, bằng cách thiết lập nên một tình trạng đặc biệt. Ông ta đã cai trị Thổ Nhĩ Kỳ bằng một tình trạng bất thường không được tuyên bố chính thức. Tôi cho rằng Tayyip Erdogan có lý do để lo sợ. Nếu mất quyền, rất có khả năng ông ta sẽ bị trả đũa. Chính vì vậy, ông ta trở thành tù nhân trong hệ thống của chính mình.

 

Có những cáo buộc rất nặng nề nhắm vào giới thân cận và chính bản thân Erdogan. Có thể nói, ông ta đã bị rơi vào một vòng luẩn quẩn tồi tệ. Ông ta bị cầm tù bởi chính cái vai của mình, bởi nỗi ám ảnh riêng của mình. Người ta nói về những người bị hoang tưởng. Có những trường hợp chỉ cần nói đến hai chữ hoang tưởng là đã có thể kích động một sự hoang tưởng. Ông Edorgan sợ, tôi cũng cho rằng ông ta có lý do để lo sợ ».

 

 

Lối thoát nào cho Thổ Nhĩ Kỳ trong xu hướng chính quyền ngày càng trở nên độc đoán và mù quáng hiện nay ? Tác giả cuốn « Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới của Erdogan » để ngỏ một cánh cửa hy vọng, với giả định :

 

« Sự thống trị của đảng AKP có thể sẽ là một chương cuối cùng của truyền thống độc đoán lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ (…). Liệu một lực lượng chính trị dân chủ mới - được giải thoát khỏi các níu kéo của lịch sử, có thể dẫn dắt được những mong đợi dân chủ của người Hồi Giáo, cũng như của người thế tục – sẽ xuất hiện và sẵn sàng thay thế AKP », một khi đảng này đã « tát cạn hết niềm tin của quần chúng Hồi Giáo đông đảo và giới trung lưu ? » (trang 163).  

 

Tin bài đọc thêm

  

Nobel Hòa bình: Đoàn kết và đối thoại, bí quyết thành công của Tunisia

 

Sau 5 năm, cách mạng « Mùa xuân Ả Rập » trở thành thảm họa

 

Bế tắc chính trị Ả Rập Xê Út đe dọa Trung Đông

 

Thổ Nhĩ Kỳ nhập cuộc, viễn cảnh chấm dứt khủng hoảng Syria thêm xa vời

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang đến đâu ?

 

Nối lại đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

 

Khủng hoảng tị nạn: Châu Âu trông cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ

 

Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng

 

Cục diện Trung Đông sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Mỹ buộc Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi Giáo 

 

Tình hình Trung Đông 2014 và hệ quả cho năm 2015

Thổ Nhĩ Kỳ và tham vọng lãnh đạo khối Ả Rập

Mùa Xuân Ả rập: tiến trình dân chủ không thể đảo ngược

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế