Châu Âu lần đầu tiên cho phép cử "lực lượng phản ứng nhanh" ra nước ngoài
Các nước châu Âu buộc phải tăng cường khả năng tự vệ trong bối cảnh Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump có thể cắt giảm mạnh các chi phí quân sự để bảo vệ các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Hôm qua, 14/11/2016, bộ trưởng Ngoại Giao và bộ trưởng Quốc Phòng khối 28 nước đã thông qua chương trình hành động, mà một điểm đáng chú ý là quy định cho phép triển khai các lực lượng phản ứng nhanh ở nước ngoài.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Theo Reuters, kế hoạch vừa được thông qua lần đầu tiên cho phép châu Âu đưa các lực lượng phản ứng nhanh ra nước ngoài, nhằm can thiệp giải quyết khủng hoảng, trước khi Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên về quyền huy động các đơn vị chiến đấu quy mô 1.500 binh sĩ. Trên thực tế, các lực lượng này đã sẵn sàng kể từ năm 2007, nhưng chưa bao giờ được huy động.
Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định : « Điều này cho phép châu Âu tiến thêm một bước trên con đường hướng đến sự tự chủ về chiến lược », hay nói cách khác là độc lập hơn với Hoa Kỳ về quân sự.
Vẫn theo lãnh đạo ngoại giao châu Âu, người chủ trì cuộc họp hôm qua, thì Liên Hiệp không có kế hoạch xây dựng một quân đội chung của toàn châu Âu, mà mỗi nước vẫn giữ nguyên quyền kiểm soát lực lượng quốc phòng của mình.
Các lãnh đạo châu Âu sẽ còn phải chính thức thông qua kế hoạch này vào tháng 12/2016.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, mặc dù các biện pháp mới được nêu ra trong lộ trình này vẫn còn khiêm tốn, nhưng việc thảo ra được kế hoạch nói trên là một diễn biến quan trọng, cho phép các nước châu Âu vượt qua một tâm lý e dè, vốn đã ngăn cản hợp tác quốc phòng của khối, kể từ khi Quốc Hội Pháp bác bỏ một nỗ lực đầu tiên trong những năm 1950.
Khó khăn chủ yếu vẫn là tài chính
Reuters cho biết kế hoạch dài 16 trang vừa được thông qua liệt kê nhiều nhiệm vụ, nhưng khó khăn chủ yếu trong hiện tại vẫn là nguồn tài chính. Liên Hiệp Châu Âu có 22 thành viên tham gia NATO. Hiện tại chỉ có 5 quốc gia đạt mức chi phí quốc phòng theo khuyến nghị của NATO, cụ thể là tối thiểu 2% GDP, ngoài Hoa Kỳ, còn có Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia.
Trong thời gian vừa qua, Pháp và Đức đã nỗ lực vận động để châu Âu ra được một kế hoạch hợp tác tăng cường sức mạnh phòng vệ. Hợp tác càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh một chính trị gia thân Nga vừa đắc cử tổng thống tại Bulgaria.
Hiện tại, các lực lượng vũ trang của Liên Hiệp Châu Âu đang đảm nhiệm 17 chiến dịch quân sự và dân sự trên thế giới, từ việc duy trì hòa bình tại Congo đến việc ngăn chặn làn sóng di cư từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải, hay kiểm soát việc tôn trọng lệnh cấm vận của vũ khí của Liên Hiệp Quốc…
Vẫn liên quan đến quan hệ châu Âu – Hoa Kỳ về mặt quân sự, hôm nay, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định « chắc chắn » là ông Donald Trump sẽ tôn trọng « toàn bộ các cam kết của Hoa Kỳ » đối với NATO.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký