QUỐC TẾ- TIN VẮN

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP)-  IMF cấp tín dụng cho Ukraina

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF ngày 03/04/2017 tháo khoán 1 tỷ đôla khoản vay cho Ukraina. Việc cấp khoản tín dụng này đã bị đình hoãn do việc chính quyền Kiev quyết định cắt đứt mọi quan hệ thương mại với miền đông Ukraina, hiện nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai thân Nga.

(AFP) - Mỹ hạn chế cấp visa nhập cảnh làm việc

Chính quyền Mỹ ngày 03/04/2017, thông báo một loạt biện pháp mới hạn chế chương trình visa nhập cư làm việc H-1B, để chống những « lạm dụng » và « phân biệt đối xử » đối với người lao động Mỹ. Cho tới nay, các công ty trong lĩnh vực công nghệ tin học ở Hoa Kỳ vẫn sử dụng chương trình này để tuyển dụng các kỷ sư nước ngoài.

(Reuters) - Huyndai và Kia giảm bớt sản xuất ở Trung Quốc

Hai hãng xe hơi Hàn Quốc Huyndai va Kia đã giảm bớt mức sản xuất ở Trung Quốc vào lúc số bán ở nước này bị đe dọa do căng thẳng trong quan hệ Bac Kinh và Seoul về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD và do cạnh tranh của các hãng Trung Quốc.

(AFP) - Philippines : Bộ trưởng Nội Vụ bị cách chức vì nghi án tham nhũng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua đã đột ngột cách chức bộ trưởng Nội Vụ Ismael Sueno vì nghi ngờ nhân vật này tham nhũng. Vài giờ trước khi bị cách chức, ông Ismael Sueno đã bác bỏ những lời đồn đại tham nhũng nhắm vào ông. Phát ngôn viên tổng thống khẳng định là vụ sa thải này cho thấy ông Duterte không dung thứ cho bất cứ quan chức chính phủ nào thiếu minh bạch.

(Reuters) - Châu Âu đưa vào lưu hành đồng bạc giấy 50 euro mới

Sáng hôm nay 04/04, tờ tiền giấy mới mệnh giá 50 euro được đưa vào lưu hành tại 19 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có Pháp. Các tờ bạc mới được đánh giá an toàn hơn, khó làm giả hơn tờ tiền 50 euro cũ. Tờ bạc mệnh giá 50 euro là tờ bạc được sử dụng nhiều nhất tại khu vực đồng euro (chiếm 45% tổng số tờ tiền giấy đang lưu hành), nhưng chưa từng được làm mới từ năm 2002.

(RFI) - Ấn Độ bác bỏ cáo buộc của 44 nước châu Phi

Ngày 03/04/2017, Ấn Độ đã bác bỏ cáo buộc từ các nhà ngoại giao của 44 nước châu Phi cho rằng New Delhi không có biện pháp đủ mạnh để chấm dứt nạn tấn công bạo lực mà nạn nhân đôi khi là các thanh niên gốc Phi. Tuần trước, một thanh niên Ấn Độ ở ngoại ô New Delhi bị giết chết. Cho rằng những người Nigeria trên là thủ phạm, hàng trăm người Ấn Độ đã hành hung 5 người Nigeria. Đáp lại cáo buộc của các nước châu Phi, bộ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ cho biết vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra về vụ hành hung người Nigeria nói trên, lấy làm tiếc về vụ việc song phủ nhận đây là hành vi mang tính « kỳ thị ».

(AFP) - Hội nghị quốc tế về Syria : Thổ Nhĩ Kỳ vắng mặt

Một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc đồng chủ trì được tổ chức tại Bruxelles, Bỉ trong hai ngày hôm nay và ngày mai để bàn về tương lai của Syria. Hơn 70 quốc gia và tổ chức quốc tế đã được mời tham dự hội nghị. Tuy nhiên, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ vắng mặt. Hội nghị này là dịp để những nước tham dự đánh giá việc thực hiện lời hứa huy động tài chính cho các chương trình nhân đạo ở Syria mà cộng đồng quốc tế đưa hồi tháng 02/2017 trong một cuộc họp ở Luân Đôn.

(AFP) - Colombia ban bố tình trạng khẩn cấp sau thảm họa lở bùn đất ở thành phố Mocoa

Tổng thống Colombia ngày 03/04/2017 ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, xã hội và sinh thái, sau thảm họa lở bùn đất ở thành phố Mocoa cách đây 3 ngày khiến 273 người chết và 262 người bị thương. Theo tổ chức Chữ Thập Đỏ, hiện có 220 người mất tích và cuộc sống của 45.000 người khác bị ảnh hưởng. Để phòng tránh dịch bệnh lây lan, chính phủ Colombia đã ban hành chiến dịch phòng bệnh và tiêm phòng.

(Inquirer) - Vùng biển Benham Rise : Trung Quốc công nhận « quyền chủ quyền » của Philippines

Báo chí Philippines dẫn một phát biểu của ngoại trưởng Philippines ngày 04/04/2017, khẳng định Trung Quốc đã có phản hồi chính thức, theo yêu cầu của Manila về vấn đề này. Benham Rise là một vùng biển cách bờ đông của Philippines khoảng 250 km, được coi là có nhiều khoáng sản và khí đốt. Liên Hiệp Quốc đã công nhận khu vực này thuộc thềm lục địa của Philippines. Hôm 11/03, sau khi bộ Quốc Phòng Philippines tố cáo tàu Trung Quốc hoạt động tại đây, Bắc Kinh trả lời tàu chỉ sử dụng quyền « tự do hàng hải và quyền qua lại vô hại ».

(AFP) - Nga bác ý định của Mỹ thảo luận về nhân quyền tại Hội Đồng Bảo An

Mỹ muốn đưa vấn đề nhân quyền ra thảo luận ngày 18/04, nhưng đề nghị ngày đang bị Matxcơva phản đối. Đại sứ lâm thời của Nga tại Liên Hiệp Quốc cho rằng, về nhân quyền có một khuôn khổ khác phù hợp hơn, đó là Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Matxcơva giải thích : « chỉ ra một tuyên bố chung là hòa bình và an ninh quốc tế bị đe dọa, do các xâm phạm về nhân quyền là không đúng sự thật ». Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ là « vi phạm nhân quyền không phải là hệ quả của một xung đột, mà là nguyên nhân dẫn đến xung đột ». Trung Quốc, Bolivia và Ai Cập lưỡng lự trước đề nghị của Mỹ. Phản bác của Nga có thể thất bại, vì chỉ cần 9 thành viên Hội Đồng Bảo An đồng ý là đủ để đưa chủ đề vào chương trình nghị sử của Hội Đồng Bảo An.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế