Thượng đỉnh châu Âu : Thành công và khó khăn của mô hình Thụy Điển
Đăng ngày:
Ngày 17/11/2017, tại thành phố Goteborg, khai mạc thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu, về mô hình Thụy Điển, với sự tham gia của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên Liên Âu, cùng các đối tác xã hội.
Mô hình Nhà nước phúc lợi Thụy Điển được Pháp và nhiều quốc gia hâm mộ. Tuy nhiên, thách thức với mô hình Thụy Điển là rất lớn. Cụ thể là làm thế nào để vừa giải phóng được thị trường lao động, lại vừa duy trì được các hệ thống bảo trợ xã hội cần thiết. Đây cũng là thách thức chung của nhiều quốc gia châu Âu.
Thông tín viên RFI Frédéric Faux từ Stockholm cho biết thêm :
« Nếu như, về mặt phúc lợi xã hội, Thụy Điển từng được coi như một miền đất hứa trong những năm 1970, 1980, thì điều này không còn đúng trong hiện tại. Kể từ cuộc khủng hoảng mà quốc gia này hứng chịu trong những năm 1990, trợ cấp bị cắt giảm mạnh, tiền hưu trí của Thụy Điển là thuộc loại thấp nhất châu Âu, và số lượng viên chức Nhà nước giảm mạnh.
Các cải cách đã cho phép Thụy Điển trở lại thành một quốc gia thịnh vượng, với tỉ lệ thất nghiệp chỉ có 7%. Tuy nhiên, đối với giáo sư Kenneth Wilson, mô hình Thụy Điển vốn rất được ca ngợi… đã không còn nguyên vẹn.
Theo ông, ‘trước đây Thụy Điển từng đứng đầu, với các khoản trợ cấp hào phóng nhất. Nhưng hiện nay, bất bình đẳng gia tăng mạnh. Thụy Điển đang ngày càng gần với mô hình của Anh Quốc, và thậm chí mô hình Mỹ.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắc không thay đổi. Đó là các cải cách do cả cánh tả, và cánh hữu dẫn dắt, trong sự cộng tác mật thiết với các đối tác xã hội. Phải chăng chính vì vậy mà Thụy Điển thoát khỏi các bãi công và biểu tình ? Bởi vì ở đây, việc phối hợp, thương thuyết diễn ra thường xuyên, và các quy tắc đàm phán được quy định một cách rõ ràng.
Ở mỗi nhánh nghề nghiệp, các nghiệp đoàn và giới chủ phải trình ra các đề nghị của mình, ba tháng trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực. Các đàm phán giữa dựa trên một tài liệu duy nhất, do các chuyên gia kinh tế độc lập thảo ra, và đặc biệt là Nhà nước không bao giờ can thiệp vào đàm phán ».
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký