Hậu Midterms : Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2020 đã khai màn
Đăng ngày:
Ngay sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Hoa Kỳ 2018 kết thúc, trận chiến chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2020 trên thực tế đã bắt đầu. Đối với phe Dân Chủ Mỹ, đây là một chặng đường dài, đầy chông gai, mà một trong những thách thức lớn nhất là đảng Dân Chủ hiện tại thiếu một lãnh đạo tầm cỡ như Bill Clinton và Barack Obama trước đây. Hãng tin Anh Reuters có bài nhận định với tựa đề « Midterms : Cuộc tranh cử tổng thống 2020 đã khai màn ».
Tổng thống Donald Trump hiện tại chỉ được chưa đầy 50% người Mỹ ủng hộ, tỉ lệ thấp nhất kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống. Thế nhưng vị thế của tổng thống Trump được coi là rất vững chắc, bởi tỉ lệ được lòng cử tri Cộng Hòa rất cao khiến cho, trong nội bộ đảng Cộng Hòa, không có bất cứ một thế lực nào có thể trỗi dậy cạnh tranh với đương kim tổng thống.
Thiếu lãnh đạo : Thách thức hàng đầu
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, phe Dân Chủ không có được một lãnh đạo nổi bật. Theo một số thăm dò dư luận, có đến 20 chính trị gia muốn đảm nhiệm vai trò dẫn dắt đảng Dân Chủ. Ngoài các nhân vật nổi tiếng như cựu phó tổng thống Joe Biden, 75 tuổi, hay thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, 69 tuổi, còn có nhiều người ít được biết đến hơn như ông Steve Bullock, thống đốc tiểu bang Montana, ông Eric Garcetti, thị trưởng Los Angeles, cùng một số thượng nghị sĩ, thống đốc bang, thị trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp khác.
Trong cuộc tranh cử để bầu ra ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân Chủ khởi sự từ tháng Giêng 2020 tới, bên Dân Chủ phải tìm ra được một người có thể đối đầu lại được với Donald Trump. Đây là một người được chọn không chỉ để đánh bại Trump, mà phải đưa ra được « một nhãn kiến có thể quy tụ được toàn bộ đất nước » – nhận định của bà Jennifer Palmieri, giám đốc chương trình tranh cử tổng thống năm 2016 của Hillary Clinton.
Chính trị gia được chọn làm lãnh đạo phe Dân Chủ phải là người chống lại được sự hung bạo của Donald Trump, nhưng cũng phải phát triển được một cương lĩnh có sức thu hút, tập hợp được cánh tả và cánh trung của đảng, vốn đang bất đồng trong nhiều hồ sơ chính.
Nhiều dấu hiệu tích cực
Theo nhiều người trong cuộc, cho dù phe Dân Chủ đã không tạo được một « làn sóng xanh » trong cuộc bầu cử lần này, nhưng đã có « nhiều dấu hiệu tích cực », cụ thể là số lượng lớn các ứng cử viên mới tham gia chính trường, cũng như cử tri và xã hội dân sự được huy động đông đảo trong cuộc chiến chống lại đường lối của tổng thống Mỹ.
Ứng cử viên Andrew Gillum thiếu chút nữa là trở thành thống đốc tiểu bang (bang Florida) gốc Phi Châu đầu tiên (49,1% phiếu bầu so với 49,7% của đối thủ Ron DeSantis) hay ứng cử viên gốc Mỹ Latinh Beto O’Rourke thua sát nút đối thủ Ted Cruize (48,3% - 50,9%) tại Texas trong cuộc tranh ghế thượng nghị sĩ tại bang Texas. Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ cao đối với các ứng cử viên ứng cử, vốn được coi là xuất thân từ các nhóm xã hội thiểu số, ngay tại hai tiểu bang truyền thống của đảng Cộng Hòa, cho thấy nếu vận động cử tri đúng cách, đảng Dân Chủ có thể thành công.
Theo bà Neera Tanden, chủ tịch Center for American Progress, một cơ sở tư vấn theo quan điểm cấp tiến, thì « Mô hình của (cuộc tranh cử) năm 2020 sẽ là những người như Andrew Gillum hay Beto O’Rourke. Ứng cử viên phải là người có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, phải đi đến khắp mọi nơi, gặp gỡ tất cả mọi người ».
Một dấu hiệu tích cực khác là « số lượng kỷ lục nữ ứng cử viên ». Một nhà điều tra của đảng Dân Chủ giải thích lý do rất nhiều phụ nữ các vùng ngoại vi và phụ nữ dưới 40 tuổi tham gia bầu cử vì họ « hết sức tức giận » với những gì mà ông Donald Trump đã làm.
Hướng đến một liên minh rộng lớn ?
Điều mà nhiều người lo ngại là nhiệt huyết của các ứng cử viên Dân Chủ nếu đi quá đà có thể làm gia tăng các chia rẽ giữa « thành phần tinh hoa » của đảng và « cánh cấp tiến », vốn đã rất xa cách nhau sau cuộc tranh cử sơ bộ 2016 giữa Hillary Clinton và Bernie Sanders.
Nghị sĩ Tim Ryan, người vừa tái đắc cử tại Ohio (một trong số những người có thể ra tranh cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2020), đặt câu hỏi : « Phải chăng chìa khóa của năm 2020 sẽ là người nào biết thiết lập được liên minh giữa hai lực lượng và biết cách duy trì nó ? ». Nghị sĩ Tim Ryan nhấn mạnh đến một liên minh mới, bao gồm cả những người có quan điểm độc lập, thành phần ôn hòa của đảng Cộng Hòa, giới công nhân.
Dân Chủ phân tán, Trump trong tư thế sẵn sàng
Tham gia cuộc tranh cử sơ bộ năm 2020 tới của đảng Dân Chủ, dự đoán sẽ có nhiều ứng cử viên hơn là đảng Cộng Hòa hồi 2016 (với 17 người tổng cộng). Đây có thể là một thách thức lớn đối với đảng này, trong lúc phía Donald Trump đã sẵn sàng.
Không có đối thủ trong nội bộ, tổng thống Trump hiện tại đã bước vào cuộc tranh cử tổng thống cho năm 2020. Ông Trump không ngừng đả kích các đối thủ Dân Chủ tiềm năng ngay trong cuộc tranh cử giữa kỳ vừa qua. Donald Trump đã lập ra một khẩu hiệu mới cho năm 2020. Đó là « Keep America Great », tiếp theo « Make America Great Again ». Đồng thời huy động được 100 triệu đô la tiền góp quỹ tranh cử.
Xuất thân là một người giới thiệu « chương trình truyền hình thực tế », tổng thống Trump đã nhiều lần chứng tỏ khả năng mạt sát đối thủ, biến các cuộc tranh luận căng thẳng thành cơ hội hô hào vận động cử tri.
Trước tình thế này, phe Dân Chủ phải hết sức thực tế. Nhiều hy vọng được đặt vào những người vừa giành được chiến thắng rõ nét nhất của phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử vừa qua, là cùng một lúc làm được hai việc. Thứ nhất là « kiềm chế » chính sách của tổng thống Trump hiện nay, và thứ hai là đưa ra được một cương lĩnh hoàn toàn khác cho nước Mỹ.
Bà Neera Tanden, chủ tịch Center for American Progress, chuyên về chính sách công (trụ sở tại Washington) cảnh báo : Nếu đợt tranh cử tới bị quy về một cuộc đọ sức giữa Donald Trump với một người bảo vệ các thành quả thời Obama, thì đảng Dân Chủ ắt hẳn sẽ gánh chịu thất bại.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký