« Ukrainegate » nổ ra nhằm cản D. Trump nhân nhượng quá mức trong các hồ sơ quốc tế ?
Đăng ngày:
Nghe - 09:39
Vụ tai tiếng tổng thống Mỹ điện đàm gây áp lực với đồng nhiệm Ukraina đòi điều tra con trai đối thủ chính trị Joe Biden có thêm diễn tiến mới. Thêm một người báo động thứ hai được cho nắm rõ vụ việc chấp nhận làm chứng trước Quốc Hội. Nguy cơ tổng thống Mỹ, Donald Trump phải đối mặt với « Impeachment » ngày càng lớn.
Thông tin này càng củng cố hơn nữa độ tin cậy cho cuộc điều tra của phe Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ Viện cũng như là xác nhận thêm các thông tin do người báo động thứ nhất đưa ra, đồng thời làm cho hướng phòng thủ của tổng thống Mỹ thêm bị lung lay. Nhưng có một điều gần như chắc chắn thủ tục « Impeachment » này sẽ khó dẫn đến việc ông Donald Trump bị phế truất.
Vì sao như vậy ? Phe Dân Chủ tiến hành thủ tục « Impeachment » để làm gì ? Nước Mỹ đã bao lần chứng kiến các vụ « Impeachment » ? Vụ việc sẽ tác động ra sao đến bản thân tổng thống Mỹ ? Phải chăng vụ « Ukrainegate » bùng nổ lúc này còn vì những mục đích chính trị nào khác ngoài việc hạ uy tín tổng thống Mỹ ? Để giải đáp những thắc mắc trên, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Trần từ Washington.
*****
RFI Tiếng Việt : Kính chào nhà báo Phạm Trần. Trước tiên, xin ông vui lòng giải thích « Impeachment » nghĩa là gì ? Bắt nguồn từ đâu ? Quy trình của thủ tục này gồm những bước nào, được tiến hành ra sao ?
Nhà báo Phạm Trần : « Trước hết, thủ tục ʺImpeachmentʺ tiếng Việt tạm gọi là ʺluận tộiʺ không phải chỉ có riêng ở Hoa Kỳ mà có nhiều nước trên thế giới kể cả nước Pháp, Brazil, Ấn Độ, Ailen, Philippines, Nga, Hàn Quốc,… Những thủ tục này giành quyền đặc biệt cho các cơ quan lập pháp, tức là Quốc Hội của mỗi nước hoặc là các cơ quan làm ra luật, những cơ quan tối cao đại diện cho nhân dân có quyền xử những người được cho là phạm những tội phản quốc, tham nhũng hối lộ, những trọng tội hay những tội nhẹ hơn nhưng có liên hệ đến vấn đề an ninh quốc gia và có làm hại cho nước của mình.
Thủ tục này ở Hoa Kỳ gồm hai bước. Đầu tiên hết là phải qua Hạ Viện do Hiến Pháp của Hoa Kỳ quy định thủ tục luận tội một người là nhân viên của chính phủ, trong trường hợp này là một vị tổng thống. Tuy nhiên, Hạ Viện Hoa Kỳ hiện nay do đảng Dân Chủ chiếm đa số, 235 dân biểu so với 198 người từ đảng Cộng Hòa. Do vậy, nghị quyết bên Hạ Viện trước sau gì cũng được thông qua và ông Trump sẽ chính thức bị luận tội.
Thế nhưng, nếu Hạ Viện chỉ đóng vai trò công tố viên, nghĩa là chỉ đưa ra các tội của ông Trump và kết luận là ông có tội, đáng bị luận tội, thì Thượng Viện có 100 nghị sĩ của cả hai đảng lại là quan tòa, đứng ra xử vụ án này.
Thế nhưng, trường hợp của ông Donald Trump đòi hỏi phải có 2/3 số phiếu ở Thượng Viện, tức là 67 nghị sĩ. Trong khi đảng Cộng Hòa, tuy chiếm đa số nhưng chỉ có 53 nghị sĩ, và phía Dân Chủ chỉ có 45 người. Do vậy, nghị quyết này dù có đi lên đến Thượng Viện cũng không đi tới đâu cả. Ông Trump vẫn sẽ là tổng thống.
Trong lịch sử nước Mỹ, thủ tục « Impeachment » đã mấy lần xảy ra? Có bao nhiêu vị tổng thống đã bị phế truất và vì những tội gì ?
Đối với lịch sử nước Mỹ, ông Donald Trump là người thứ tư sẽ bị luận tội. Người đầu tiên bị luận tội là ông Andrew Johnson năm 1886. Ông bị cáo buộc là lợi dụng chức vụ để mà bãi nhiệm bộ trưởng Chiến Tranh, Edwin M. Stanton vì quyền lợi riêng tư của ông. Nhưng khi lên đến Thượng Viện, ông Johnson bị 35 phiếu thuận, nhưng có đến 19 phiếu chống. Vì không có đủ đa số 2/3 (36 phiếu) cho nên ông vẫn là tổng thống.
Vụ thứ hai xảy ra vào năm 1974, đời tổng thống Richard Nixon. Khi đó, Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện đã đồng ý luận tội ông vì đã cho người thâm nhập vào đại hội đảng Dân Chủ ở khách sạn Watergate, tại Washington D.C để nghe lỏm, đánh cắp tài liệu của đảng Dân Chủ. Vấn đề là ông lại ra lệnh che giấu, ngăn chận cuộc điều tra của chính phủ Mỹ, của FBI, CIA… Đảng Cộng Hòa thấy là ông Nixon không thể tồn tại được, bắt đầu lánh xa ông. Do vậy, thay vì phải đưa lên Thượng Viện, ông Nixon đã tự ý từ chức năm 1974.
Người thứ ba, cũng thoát nạn bị truất phế, là tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, Bill Clinton. Ông bị đưa ra luận tội không phải vì ông phạm tội gì ghê gớm đối với luật pháp Hoa Kỳ như phản quốc hay tham nhũng mà là dính đến phụ nữ. Người nổi tiếng trong vụ án đó là cô Monica Lewinsky, vì ông có mối tình với cô này. Trước đó, ông Clinton còn dan díu với một người phụ nữ khác tên là Paula Jones, là người đã kiện ông Bill Clinton. Nhưng rồi ông cũng thoát bị truất phế vì chỉ có 45 phiếu thuận nhưng có đến 55 phiếu chống truất phế. Đến phiên biểu quyết lần hai số phiếu chống và thuận là 50-50, do vậy ông ấy vẫn tại chức.
Tóm lại, thủ tục phế truất một tổng thống nước Mỹ rất là khó khăn, nhất là ở Thượng Viện. Trong lịch sử nước Mỹ, cho đến giờ này, chưa có một vị tổng thống nào đã bị « về vườn » do bị Thượng Viện truất phế.
Dù không thể bị phế truất, nhưng cuộc luận tội này sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với tham vọng tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Donald Trump ?
Rất ảnh hưởng. Thứ nhất, không chỉ có một người tố cáo ông Donald Trump đã có những hành động kêu gọi nước ngoài giúp ông có tài liệu, bằng chứng, để chống lại đối thủ chính trị của ông. Tổ hợp luật sư bào chữa cho người thứ nhất nói rằng một người thứ hai có nhiều tài liệu chính xác hơn và rõ rệt hơn, phù hợp với người thứ nhất và còn có một số người khác nữa, do vậy ông Trump sẽ gặp khó khăn.
Bởi vì, ông Trump sẽ tái tranh cử và đang vận động tranh cử và đảng Cộng Hòa tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong cuộc thăm dò ý kiến mới đây, có đến 53% người dân Mỹ ủng hộ việc luận tội và số chống là 43%. Các ủy ban của Hạ Viện đòi phải cung cấp tài liệu, tòa Bạch Ốc đã không có hợp tác, nhưng trước sau gì Nhà Trắng cũng phải thuần phục lệnh của Quốc Hội, là vì Quốc Hội làm đúng theo Hiến Pháp.
Ngay khi có thông tin một người báo động thứ hai chấp nhận ra làm chứng. Nguyên thủ Mỹ tố cáo đó là một « âm mưu » của một « thế lực ngầm » nhằm hạ uy tín của ông. Nhà báo có nghĩ rằng liệu đằng sau vụ « Ukrainegate » ngoài mục đích tranh cử, còn có những ý đồ khác từ những phe cứng rắn trong nội bộ đảng Cộng Hòa, nhằm cản trở ông Trump có những « nhượng bộ » quá đáng trong các hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, hạt nhân Bắc Triều Tiên hay tranh chấp thương mại với Trung Quốc ?
Đúng là như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã kết luận là ông Trump phải tìm mọi cách để tái đắc cử năm 2020. Họ cho rằng tổng thống Mỹ muốn dùng những vấn đề thương thuyết, đạt được thỏa thiệp về nguyên tử năng với Bắc Triều Tiên cũng như là với Iran, và hồ sơ kinh tế với Trung Quốc để làm bàn đạp.
Trong khi đó, phe cứng rắn trong nội các của ông Trump, đặc biệt là đảng Cộng Hòa, điển hình là cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đã từ chức vì ông ấy bất đồng ý kiến với ông Trump về chính sách đối với Bắc Triều Tiên và nhượng bộ với Iran, rồi những vấn đề để vận động thương thảo với Trung Quốc để làm cho Trung Quốc không thiệt hại nặng…Người ta cho rằng những việc làm của ông Trump chỉ vì mục đích đạt được những thắng lợi ngoại giao mặc dù những thắng lợi ngoại giao đó có thể làm hại cho nền an ninh, nền kinh tế Hoa Kỳ.
Do vậy có những khuynh hướng cứng rắn diều hâu, cực kỳ diều hâu ở trong đảng Cộng Hòa chống ông Trump là như vậy. Và ai cũng thấy rõ là ông Trump muốn sử dụng lối quen thuộc của ông. Là một nhà kinh doanh, ông ấy thương thảo, ông ấy đặt quân bài trước mặt bàn, nếu mà có lợi cho ông thì ông chộp lấy ngay hay là ông dùng mọi biện pháp, kỹ thuật dù là làm nhục đối phương để mà đạt thắng lợi thì ông Trump cũng làm.
Nhưng đấy là những lời đồn đoán, tôi nhấn mạnh là đồn đoán ở Washington, nhưng cứ tiếp tục được lặp đi lặp lại và bằng chứng cụ thể là ông John Bolton, nguyên cố vấn an ninh quốc gia sau khi ra khỏi tòa Bạch Ốc (Nhà Trắng), ông đã công khai đọc một bài diễn văn lên án chính sách của ông Donald Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên.
RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Trần từ Washington.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký