Pháp : Annecy gìn giữ thiên nhiên làm cốt lõi cho sức hút du lịch
Đăng ngày:
Nghe - 09:45
Hè đến là dịp của những kỳ nghỉ dài mong đợi nhất của người dân Pháp. Với đa dạng cảnh sắc từ đường bờ biển đến địa hình đồi núi hay công trình lịch sử, mọi địa phương đều sở hữu cho mình những danh thắng hấp dẫn khách du lịch. Trong đó, Annecy, miền đông nam nước Pháp, là một địa chỉ khó bỏ qua, bởi vẻ đẹp tự nhiên và phong phú hoạt động thể thao, ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
Những vẻ đẹp trời phú
Rất dễ để liệt kê những ưu điểm hội tụ hiếm có của Annecy, nơi được mệnh danh « hòn ngọc của dãy Alpes ». Thành phố cổ nhỏ xinh nép mình nơi lưng chừng núi, được bao bọc bởi chân dãy núi cao nhất châu Âu. Mùa hè khí hậu mát mẻ, mùa đông là địa điểm trượt tuyết lý tưởng, thậm chí có thể trượt băng trên mặt hồ. Khu trung tâm cổ với địa hình dựa vào núi, trên cao toạ lạc khu thành cổ, nơi từ thế kỷ 13 là lâu đài của các Bá tước cai quản vùng Genève. Từ đó, có thể ngắm toàn cảnh những lớp mái ngói đỏ nhấp nhô in trên nền xanh trời nước.
Nhưng điểm làm nên vẻ đẹp của khu phố cổ lại là những lạch nước trong vắt xuyên cài giữa các lớp nhà. Người ta hay so sánh Annecy với Bruges của Bỉ, với Colmar phía đông bắc nước Pháp, hay gọi Annecy là Venise thu nhỏ. Nhưng Annecy không giống một bản sao của bất cứ thành phố nào kể trên, mà có thế mạnh riêng. Ví dụ so với Venise, số lượng kênh rạch của Annecy nhỏ hơn rất nhiều, nhưng chất lượng nước lại khác hẳn. Dù đã chú trọng giữ vệ sinh, nhưng nhiều góc kênh rạch Venise nước đục tù đọng, thậm chí bốc mùi khó chịu khi tiết trời nóng bức, còn ở Annecy, dòng nước trong vắt nhìn tận đáy làm du khách mê mải hút mắt, như chỉ muốn ngâm mình xuống trong ngày hè oi ả.
Còn nếu lên trên đỉnh các dãy núi xung quanh để nhìn ngược lại về dưới hồ, quang cảnh thu vào tầm mắt cũng vô cùng ngoạn mục. Hồ Annecy đẹp từ mọi góc nhìn. Nhìn từ xa, toàn cảnh núi đồi bao bọc hay sương mờ choàng khăn buổi sớm huyền ảo, đều tạo nên những bức tranh phong cảnh hoàn hảo. Còn ngắm nhìn thật gần, khi ngồi thả chân bên bờ nước hay tròng trành trên thuyền, thì màu nước trong không một tì vết lấp lánh từng tia nắng xuyên qua, luôn làm du khách ngây ngất.
Đẹp nhờ những nỗ lực giữ gìn của địa phương
Nhưng nước hồ trong vắt ấy không phải bởi tự nhiên mà có. Khó ai hình dung chỉ mới những năm 50-60 của thế kỷ trước, hồ còn là nơi xả mọi nước thải sinh hoạt đô thị và công nghiệp, trở nên ô nhiễm trầm trọng. Nhiều tiếng nói cảnh báo tình trạng nguy cấp, tiêu biểu là bác sỹ Paul-Louis Servettaz, người đã kêu gọi chính quyền địa phương hành động. Nhờ đó, tất cả các thành phố - thị trấn ven hồ cùng lập một « vành đai an toàn » thu gom nước thải xung quanh hồ, dẫn về các trạm xử lý, trước khi đổ ra sông Fier ở phía Bắc. Dần dần, nồng độ nitrat và phosphore, hai thành phần vô cơ chính gây ô nhiễm nước, đã giảm dần và hiện nay đạt mức không đáng kể. Kể từ giữa thập kỷ 70, nước hồ chỉ nhận nước nguồn và nước mưa, trở nên sạch và trong vắt. Hồ được đánh giá là hồ có dân cư sinh sống với chất lượng nước sạch nhất châu Âu, đến mức nước hồ còn gần như trực tiếp được dẫn vào hệ thống nước sạch dùng cho sinh hoạt của cư dân.
Ngày nay, hệ thống xử lý nước thải này bao gồm 1.500 km đường ống thu gom toàn bộ nước thải đô thị, được dẫn qua 97 trạm bơm để đưa vào lọc trong 13 nhà máy khử ô nhiễm nước trước khi đổ ra sông. Để đảm bảo chất lượng nước hồ, hàng năm, hơn 6.000 đợt kiểm tra được tiến hành, trong đó hơn 4.000 đợt kiểm tra chuyên về vi khuẩn, thực hiện trên 110 vị trí lấy mẫu khác nhau. Nhờ đó, độ trong, nhìn xuyên thấu của nước hồ trung bình đạt 7m, và có thể đạt đến độ sâu 14m. Nhà máy lọc nước Espagnoux lọc nước hồ và cung cấp nước sinh hoạt trở lại cho các khu dân cư.
Tuy vậy, nước quá sạch và trong cũng có những mặt hạn chế, khó phát triển đa dạng các loại động thực vật dưới nước. Việc giảm phosphore trong nước, ít dòng luân chuyển giữa các lớp nước, gây khử oxy tầng nước sâu, làm hồ không có nhiều rong tảo và hiếm các loại cá lớn.
Lịch sử về sự hồi sinh biến một lòng hồ ô nhiễm thành hồ đô thị trong và sạch nhất châu Âu trở thành một niềm tự hào được truyền tụng của thành phố Annecy. Ý thức giữ gìn hồ cũng trở thành một truyền thống và thế mạnh của địa phương. Việc giáo dục và tiếp tục các nghiên cứu khoa học về môi trường nước, lọc nước mưa ... vẫn được phát triển. Đi khắp ven bờ, hiếm gặp một mảnh rác, một túi nilon trôi nổi trên mặt nước. Dù trên bờ là những công viên đông đúc khách thăm quan và hoạt động vui chơi.
Đa dạng hoạt động thể thao giải trí gắn với thiên nhiên
Annecy không bằng lòng về việc chỉ khai thác vẻ đẹp tự nhiên. Nơi đây hấp dẫn thêm chính bởi khả năng khai thác đa dạng các hoạt động giải trí thể thao ngoài trời. Mà nếu du khách ở cả tuần khéo cũng chưa chơi hết.
Đầu tiên khiến du khách thấy dễ chịu và muốn quay lại Annecy nhiều lần, chính là những cung đường đạp xe tuyệt vời ở đây. Với hơn 40km đường dành cho xe đạp khép kín quanh mặt hồ rộng hơn 27km2, chưa ở đâu khách tham quan có một cung đường đạp xe dễ chịu, an toàn và đẹp đến vậy! Ngoài những tuyến dành cho xe đạp giải trí, những tuyến xe đạp cho những người chơi môn thể thao này hay tay đua luyện tập cũng rải khắp trên các sườn núi bao quanh.
Phần lớn tuyến đường là những đoạn xuyên qua ngôi làng nhỏ, xen giữa cánh đồng cỏ, dựa vào chân ngọn núi thấp, có đoạn rợp bóng cây mát rượi hay từ trên cao dọc bờ hồ nhìn xuống. Mé bờ đông của hồ có nhiều điểm dân cư hơn, nên có vài đoạn phải đi chung đường với đường xe cơ giới. Nhiều đoạn lên dốc, đổ đèo, đòi hỏi phải có tay lái vững, nhưng bù lại, cảnh sắc cung đường đa dạng và nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Nhờ hoạt động hiệu quả, đạp xe trở thành một hoạt động chính thu hút khách du lịch mọi lứa tuổi.
Không chỉ có môn xe đạp, có thể nói không một địa hình nào không có tổ chức hoạt động thể thao. Trên hồ, thanh thiếu niên có thể tập thăng bằng trên ván chèo, thử sức lướt ván. Người có bằng lái có thể thuê thuyền buồn nhỏ, cano tự lái. Các gia đình thư thả chèo thuyền, đạp thuyền vịt ... hay bơi lội, phơi nắng trên các bãi tắm ven hồ luôn đông đúc. Tuy vậy, phương tiện chạy xăng dầu bị hạn chế nên hồ vẫn sạch và không khí trong lành.
Quanh hồ là hoạt động câu cá, câu lạc bộ thuyền buồm, dạy lái tàu nhỏ... Trên núi là các khu vực trượt tuyết, thể thao mùa đông hay các tuyến leo núi. Du khách đam mê mạo hiểm và cảm giác mạnh hơn thì có thể thử sức với dù lượn, tàu lượn để tự do bay lượn ngắm quang cảnh từ trên cao. Nhờ đó, hoạt động du lịch của Annecy sôi động bốn mùa, và bất cứ du khách nào cũng tìm thấy ít nhất vài hoạt động thể thao phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Áp lực đô thị hoá và du lịch
Là thành phố vùng núi thu hút khách thăm quan bậc nhất ở Pháp, giá địa ốc ở đây cao tương đương các thành phố lớn. Dù trung tâm cổ vẫn giữ nguyên trạng, các khu vực cửa ngõ hay ven hồ liên tục có thêm những công trình xây dựng nhà ở, nghỉ dưỡng mới với mật độ khá cao. Tuy vậy, độ cao vẫn được khống chế, tối đa chỉ 4-5 tầng, với hình thức đề cao sự hoà nhập vào bối cảnh, chẳng hạn dự án gồm 3-4 toà nhà khá lớn, mới được hoàn thiện, nằm ngay trục đường ven hồ, có khối mái chọn hình thức gập ghềnh màu xám ardoise như những khối đá lô nhô để hoà vào những dãy núi phía sau. Phải lùi sâu vào phía cửa ngõ thành phố gắn đường quốc lộ, mới thấy những khu nhà cao 5-7 tầng mới.
Dọc tuyến đường đi xe đạp, cài thêm vào các khu làng và villa hiện có là các khu nhà ở hay nhà du lịch với khối tích khiêm tốn hơn. Chỉ 1-2 tầng, với vật liệu khá được chăm chút, kết hợp kính, gỗ và kim loại, màu sẫm, khiêm tốn nép dưới bóng núi, hướng nhìn ra hồ. Chọn tông màu sẫm kết hợp kính và trồng nhiều cây, những căn nhà này gần như ẩn mình khéo léo giữa cỏ cây và núi đá, khiến nếu không quá chú tâm quan sát, có lẽ khách du lịch không để ý đến sự “ xen cấy” mới mẻ này.
Nhiều quán xá mọc thêm bên bờ đường đối diện, nhưng không một khách sạn, nhà hàng nào được chen chân ra phía bờ nước. Hồ nước vì thế vẫn sạch và trong để soi bóng mây trời và dáng núi. Ven hồ chỉ có những cảnh quan những đường dạo gỗ, bãi tắm, bến thuyền, lối đi xe đạp … bên những rặng lau sậy đung đưa.
Thế nên, dù không khó để nhận ra thành phố đổi thay, tăng mật độ xây dựng thêm nhiều, nhưng thành công là đến thời điểm này cảnh quan đặc trưng của thành phố vẫn không thay đổi. Những rặng núi trùng điệp vẫn là khung nền ôm trọn thành phố. Không có một kiến trúc nào vươn cao cắt ngang cái đường viền ấy, ngoại trừ những tháp chuông nhà thờ và lâu đài lịch sử.
Giữ cho việc đô thị hoá không phá vỡ khung cảnh đặc trưng, là điều mà rất được chú trọng trong quy hoạch cảnh quan, nhất là với những đô thị lấy địa hình, vẻ đẹp tự nhiên làm thế mạnh. Nhờ đó, đô thị có đổi mới, xây dựng nhiều và đông đúc hơn, thì diện mạo tổng quan vẫn giữ những đặc trưng tiêu biểu, những đường nét lưu giữ nhất trong ký ức dân cư và khách thăm quan vẫn vẹn nguyên. Ở đây, vẻ đẹp tự nhiên là cốt lõi, là bản sắc của nơi chốn để giữ gìn qua năm tháng.
Một đối chiếu cho du lịch Việt Nam
Ngắm những rừng thông rậm dày, những villa nằm giữa lưng chừng đồi, dưới tán thông hay bên cạnh những luống hoa màu trong nhà kính hay phủ vòm bạt trong, khung cảnh ở Annecy có rất nhiều điểm tương đồng với Đà Lạt, Việt Nam. Quang cảnh hồ Annecy quy mô tự nhiên rộng lớn hơn, còn Đà Lạt lại duyên dáng với nhiều mặt hồ lớn nhỏ, nhưng đều là những vẻ đẹp làm nên đặc trưng của các địa danh này. Lên cao hơn, đường đi uốn lượn xuyên những cụm mây mờ trắng như khói toả ở Annecy cũng chẳng khác mấy cảnh sắc mờ mịt ẩm ướt trên cao nguyên Lang Biang.
Annecy có thể là một ví dụ để nghĩ về hướng đi cho một thành phố du lịch nhiều điểm tương đồng như Đà Lạt, hay rộng hơn là những đô thị du lịch tầm trung dựa vào cảnh quan tự nhiên. Tại Việt Nam, những thế mạnh và tiềm năng du lịch của các danh thắng như Đà Lạt, Tam Đảo ... không thiếu. Nhưng có lẽ việc muốn phát triển nhanh lại hàm chứa những nguy cơ làm biến dạng những nét đặc trưng vốn làm nên vẻ đẹp độc nhất.
Không cần những đầu tư công trình hay dự án hạ tầng tốn kém, chỉ cần lựa chọn hoạt động du lịch, thể thao giải trí tập trung gắn với cảnh quan tự nhiên, nhất là khi người Việt cũng như khách quốc tế, từ giới trẻ đến các gia đình, ngày càng có nhu cầu du lịch hướng tới hoạt động thể chất, trải nghiệm, khám phá ở những không gian tự nhiên ngoài trời.
Đi cùng với nó là việc giữ gìn, chống ô nhiễm và hạn chế quy hoạch phá vỡ cảnh quan. Có thể nói, Annecy đã chọn lựa hướng đi ít tác động nhất, nhưng lại trở thành thế mạnh, để qua bao năm tháng, dù đã đô thị hoá và thu hút thêm đầu tư du lịch, thành phố vẫn giữ trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên làm linh hồn nơi đây. Và đó mới là sức hút để nếu đã trót đặt chân đến, du khách luôn lưu luyến muốn quay trở lại Annecy một ngày không xa.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký