Virus corona : Cuộc chạy đua tìm vác-xin sẽ kéo dài
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, một số nước đang nỗ lực tìm thuốc điều trị và thuốc chích ngừa virus corona chủng mới càng nhanh càng tốt. Chỉ có điều, việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Đăng ngày:
Hôm 17/03/2020, tờ Nhân dân Nhật báo loan tin là chính quyền Trung Quốc đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên một loại vác-xin ngừa virus corona chủng mới. Vác-xin này sẽ được Học viện Khoa học Quân y của quân đội Trung Quốc thử nghiệm trên 108 người tình nguyện, toàn bộ đều khỏe mạnh, trong thời gian 9 tháng rưỡi, từ 16/03 đến 31/12.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ, Viện quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) hôm 16/03 thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vác-xin tại thành phố Seattle. Vác-xin này được thử nghiệm với sự phối hợp của tập đoàn công nghệ sinh học Modena trên 45 người tình nguyện, tuổi từ 18 đến 55, trong khoảng thời gian 6 tuần.
Trong cuộc chạy đua này, không chỉ có hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, mà châu Âu cũng đang tích cực tham gia. Tại Pháp, Viện Pasteur đã bắt đầu thử nghiệm một loại vác-xin trên chuột từ ngày 11/03. Các cuộc thử nghiệm dự trù kéo dài một tháng, hoặc một tháng rưỡi. Còn Viện bào chế CureVac của Đức hy vọng từ đây đến tháng 7 sẽ được cấp phép thử nghiệm một loại vác-xin trên người.
Trên tạp chí khoa học Nature ngày 18/03, chuyên gia Trung Quốc Khương Thế Ba (Jiang Shibo), giáo sư virus học tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, đã nhấn mạnh rằng, tuy là rất cấp bách, việc nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và thuốc chích ngừa virus corona không thể được tiến hành một cách vội vã, mà phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn của những loại thuốc này.
Theo các chuyên gia y tế, vào mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vác-xin phải được thử nghiệm trên động vật, rồi trên người. Tổng cộng phải mất 6 - 36 tháng để sản xuất, đóng gói, rồi gởi đến các nước có liên hệ. Các nước này sau đó còn phải tiến hành kiểm tra chất lượng của vác-xin.
Cơ quan y tế của Mỹ cũng nhìn nhận là cuộc thử nghiệm phải trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể xác định vác-xin có hiệu quả và an toàn hay không. Họ dự báo là nếu mọi việc diễn ra êm xuôi thì cũng phải mất đến một năm rưỡi. Các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới dự báo là phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vác-xin để bán ra thị trường.
Mặt khác, theo các chuyên gia Pháp, tính hiệu quả của một loại vác-xin chỉ có thể được chứng minh trong dài hạn. Cụ thể là phải có những người được chích ngừa và những người không được chích ngừa virus corona tiếp cận với virus corona tại một vùng có dịch để có thể chứng minh là những người được chích ngừa ít bị lây nhiễm hơn những người không được chích ngừa.
Về phần giáo sư Khương Thế Ba của đại học Phục Đán, Thượng Hải, ông nhắc lại là trong quá khứ, nghiên cứu về các loại vác-xin ngừa các virus corona, như virus gây ra dịch SARS năm 2002, đã cho các kết quả rất khiêm tốn trên động vật. Trong một số trường hợp, các vác-xin thử nghiệm hoàn toàn không hiệu quả, thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm giữa các con vật dùng để thí nghệm.
Bên cạnh vác-xin ngừa virus corona, nhiều nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu phát triển một loại thuốc điều trị Covid-19. Trước mắt, tại Pháp, kết quả thử nghiệm thuốc chống sốt rét Plaquenil trên các bệnh nhân Covid-19 đã cho kết quả được xem là « khả quan ». Tuy nhiên, giáo sư Khương Thế Ba lưu ý là cho dù những loại thuốc đó điều trị được những ca khác, thì người ta vẫn chưa biết là chúng có thật sự hiệu quả đối với virus corona chủng mới hay không.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký