Armstrong mất chức vô địch nhưng các á quân đều bị tỳ vết doping
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Ai có thể được trao lại bảy chức vô địch Vòng đua nước Pháp mà tay đua Mỹ Lance Armstrong vừa bị đề nghị tước bỏ ? Đó là câu hỏi đang đặt ra, sau khi Cơ quan Chống Doping Mỹ Usada loan báo ngày 23/08/2012 là Armstrong sẽ bị tước 7 chức vô địch vòng đua Tour de France mà anh giành được từ năm 1999 đến 2005.
Nếu quyết định này được Liên đoàn Đua xe đạp Quốc tế UCI chuẩn y, điều hiển nhiên là những người về nhì sau Amstrong trong bảy cuộc đua đó sẽ được công nhận chức vô địch. Có điều là việc đổi ngôi đó tưởng là dễ, nhưng trong thực tế lại không đơn giản chút nào. Lý do là vì nhiều người trong số này cũng bị vướng vào những vụ doping tương tự như nhà vô địch bị truất phế.
Jan Ullrich có đáng tin cậy hay không ?
Tên tuổi tay đua Đức Jan Ullrich nổi bật đầu tiên vì anh là người ba lần liên tiếp về nhì sau Lance Armstrong vào những năm 2000, 2001 và 2003. Jan Ullrich đã từng nổi tiếng trước Armstrong khi trở thành cua rơ Đức đầu tiên chiến thắng trong Vòng đua nước Pháp vào năm 1997, chấm dứt loạt thắng lợi 5 lần của vận động viên Tây Ban Nha Miguel Indurain.
Nếu Armstrong bị lột chức vô địch, thì đương nhiên á quân Jan Ullrich sẽ là người kế thừa tước hiệu đó trong ba vòng đua 2000, 2001 và 2003. Thế nhưng tay đua Đức đã bị dính sau đó vào một vụ doping, và đã bị lột bỏ kết quả về thứ ba trong vòng đua năm 2005 vì doping.
Jan Ullrich đã bị Tòa án Trọng tài Thể thao treo giò hai năm trong khuôn khổ vụ tai tiếng doping gọi là vụ Puerto, bùng lên vào năm 2006 khi cảnh sát Tây Ban Nha phát hiện ra hơn 200 túi máu, bên ngoài dán nhãn với những bí danh, trong đó có một số gắn liền với các tay đua xe đạp. Jan Ullrich nằm trong số này.
Một điểm trớ trêu là khi nhận được giấy báo treo giò hai năm, có hiệu lực từ ngày 22/08/2011, Jan Ullrich đã quyết định giải nghệ từ trước đó 4 năm, cụ thể là vào tháng 11 năm 2007. Khí bị Tòa án Trọng tài Thể thao trừng phạt, tay đua Đức đã không đệ đơn kháng cáo, và thú nhận rằng : « Tôi đã sai lầm và tôi đã trả giá ! »
Có nên trao chức vô địch ba Vòng đua nước Pháp cho một người có « thành tích » doping như Jan Ullrich hay không ? Đó là bài toán hóc búa mà giới lãnh đạo ngành đua xe đạp quốc tế và ban giám đốc Tour de France sẽ phải cân nhắc.
Puerto : Vụ tai tiếng doping khuấy động bảng vàng Vòng đua nước Pháp
Không chỉ có Jan Ullrich là bị dính vào vụ Puerto. Joseba Beloki, tay đua Tây Ban Nha về nhì trong vòng đua nước Pháp năm 2002, và về ba hai lần - năm 2000 và 2001 – cũng bị liên lụy trong vụ án đoping bằng phương thức truyền máu này.
Vào tháng 3 năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Tây Ban Nha AS, tay đua xe đạp Jesús Manzano đã tố cáo thẳng một bác sĩ tên là Eufemiano Fuentes là đầu nậu chuyên áp dụng thủ pháp truyền máu để giúp các vận động viên đua xe đạp tăng lực, một phương pháp đồng nghĩa với doping.
Trong số các « khách hàng » của bác sĩ Fuentes có Joseba Beloki và đội Once của anh, do một nhân vật nhiều tai tiếng là Manolo Saiz là giám đốc thể thao. Nhân vật này bị đội bài trừ ma túy bắt quả tang vào ngày 23 tháng 5 năm 2006 khi bởi đi mua các chất bị cấm.
Bị lôi cuốn vào vụ án doping Puerto, Joseba Beloki và đội Once đã bị cấm không được quyền tham gia Tour de France. Năm 2007, Beloki cũng tuyên bố giải nghệ. Với các tiền sự như vậy, liệu giới lãnh đạo ngành đua xe đạp quốc tế có dám trao chức vô địch Vòng đua nước Pháp năm 2002 cho Beloki hay không ?
Andreas Klöden vô địch năm 2004 ?
Trường hợp của tay đua Đức Andreas Klöden cũng khó giải quyết. Anh là người về nhì sau Lance Armstrong nhân vòng đua năm 2004. Vào thời điểm đó, Klöden và Ullrich cùng thuộc đội đua T-Mobile của Đức.
Tuy nhiên, nhà vô địch quốc gia Đức này sau đó lại bị nhật báo Stuttgarter Zeitung tình nghi là đã sử dụng phương thức doping trong vòng đua nước Pháp năm năm 2006, một vòng đua kết thúc với vụ tay đua về nhất là Floyd Landis – đồng đội của Lance Armstrong ! - bị truất chức vô địch vì bị xét nghiệm dương tính với chất kích lực EPO. Người về nhì là tay đua Tây Ban Nha Oscar Pereiro được đôn lên hạng nhất và Klöden được xếp thứ hai.
Theo tờ báo Đức, có ít nhất năm tay đua của đội T-Mobile đã sử dụng phương thức doping trong Tour de France 2006. Họ đã được truyền máu tại bệnh viên Đại học Freiburg sau chặng mở đầu. Patrik Sinkewitz, tay đua bị xét nghiệm là đã dùng doping trong vòng đua nước Pháp năm 2007 và bị treo giò đã cáo buộc rằng Andreas Klöden cũng đã được truyền máu trái phép.
Sau rất nhiều tranh cãi, vụ việc này chưa bao giờ được giải quyết, nhưng rõ ràng là không phải ai cũng đồng ý trên việc cho Andreas Klöden nhận chức vô địch Vòng đua nước Pháp năm 2004.
"Ivan bạo chúa » phải chăng là ứng viên tốt ?
Vào năm 2005, nhân lễ đăng quang sau cùng của Lance Armstrong trên Vòng đua nước Pháp, người về nhì là tay đua Ý Ivan Basso được xem là ngôi sao sẽ tỏa sáng trong giai đoạn kế tiếp. Thế nhưng, người được mệnh danh là « Ivan Bạo chúa » này đã bị mắc cạn vào năm 2006, vẫn do vụ Puerto. Ngay trước chặng mở đầu vòng đua năm 2006 tại Strasbourg, 13 tay đua đa bị trục xuất vì dính líu đến vụ Puerto, trong số này có Jan Ullrich và Ivan Basso.
Vào tháng 5 năm 2007, Basso đã thú nhận sự can dự của mình vào mạng lưới doping và cam kết hợp tác với giới điều tra trước khi thay đổi ý kiến.Sau nhiều tháng đàm phán, đôi co, Ivan Basso sẽ bị tư pháp Ý treo giò hai năm (cho đến tháng 10 năm 2008).
Á quân năm 1999 Alex Zülle cũng bị tỳ vết
Nếu đối với các trường hợp kể trên, các tai tiếng doping bùng lên sau khi các tay đua lập thành tích, thì đối với người về nhì Vòng đua nước Pháp năm 1999 sau Armstrong là tay đua Thụy Sĩ Alex Zülle, thì anh đã thú nhận dùng doping một năm trước đó, nhưng vẫn không bị giới lãnh đạo môn đua xe đạp phiền hà.
Vào năm 1998, Alex Zulle tham gia đội đua Pháp Festina. Thế nhưng đội này đã bị cấm tham gia Vòng đua nước Pháp năm đó vị những cáo buộc doping mà sau này được gọi là Vụ Festina. Năm tay đua trong đội, kể cả Zülle đã thú nhận là đã dùng chất kích lực EPO. Zülle đã khai rằng anh ta phải chấp nhận doping để là vừa lòng các nhà tài trợ của đội. Ngày 28 tháng 11 năm 1998 chẳng hạn, tỷ lệ hematocrit trong máu Zülle được tìm thấy là lên đến 52,3%, cao hơn 2,3% so với mức giới hạn cho phép.
Tóm lại, bảy chức vô địch trong Vòng đua nước Pháp của Lance Armstrong, bị tước bỏ vì lý do doping, sẽ khó tìm ra người nhận, cũng vì cùng một nguyên nhân. Có thể là Ban giám đốc Tour de France và Liên đoàn Xe đạp Quốc tế quyết định không thay đổi bảng xếp hạng, như họ đã từng làm với bảng vàng năm 1996. Vào năm ấy, tay đua Đan Mạch Bjarne Riis đoạt chức vô địch, nhưng sau đó một thời gian, anh đã thú nhận là đã dùng chất kích lực bị cấm là EPO.
Tuy nhiên, Bjarne Riis hiện đang dìu dắt đội đua Team Saxo Bank với người đứng đầu là tay đua Tây Ban Nha Alberto Contador, đã trở lại đường đua sau 8 tháng bị treo giò về tội dùng chất kích lực clenbuterol bị cấm. Chính vì bị phát hiện dùng chất doping mà Contador đã bị tước bỏ chiến thắng ở Tour de France 2010.
Sự liên quan giữa Bjarne Riis với doping là trùng hợp ngẫu nhiên hay ngựa quen đường cũ ? Đó là điều mà giới có trách nhiệm về Vòng đua nước Pháp phải suy ngẫm.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký