QUỐC TẾ

Cuộc cạnh tranh thời gian giữa Mecca và Greenwich

Từ năm 1884 kinh tuyến Greenwhich đã được quy ước là điểm có kinh độ 0, và từ đó trở đi giờ Greenwich được dùng để chỉ giờ chuẩn của quốc tế mà đến nay đã quá quen thuộc bằng tên gọi GMT, Greenwhich Mean Time, có nghĩa là giờ trung bình tại Greenwhich.

Tháp đồng hồ khổng lồ giữa Mecca  với ý định cạnh tranh với đồng hồ Big Ben cả về quy mô lẫn thời gian
Tháp đồng hồ khổng lồ giữa Mecca với ý định cạnh tranh với đồng hồ Big Ben cả về quy mô lẫn thời gian REUTERS/Hassan Ali
Quảng cáo

 Trước cửa ra vào của Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich tại Luân Đôn có một thanh đồng nhỏ để đánh dấu tượng trung cho đường kinh tuyến gốc. Đã từ hơn một thế kỷ nay giờ GMT là niềm tự hào của người dân Anh mà nhiều nước khác phải ghen tị.

Thế nhưng từ ngày 12 tháng 8 năm nay, giờ GMT đang phải đối mặt cạnh tranh với một đơn vị thời gian mới khá nặng ký, đó là giờ chuẩn Ả rập ( Arabian Standard Time), mà biểu tượng của nó là chiếc đồng hồ khổng lồ đang được dựng lên giữa thánh địa Mecca của người Hồi giáo.

Để cho một tỷ rưỡi tín đồ Hồi giáo trên thế giới có một giờ riêng, chính quyền Ả- rập Xê-út đã không tiếc tiền. Họ đang cho dựng lên một chiếc đồng hồ bốn mặt, mỗi mặt có đường kính 46 mét dát đầy vàng, được đặt trên một tháp cao 609 mét, độ cao chỉ đứng sau tháp cao nhất thế giới Burj Khaila tại Dubai (828m). Như vậy với chiều cao 96 mét và mặt đường kính nhỏ hơn 6 lần thì giờ đây tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng thế giới chỉ là một chú lùn.

Công trình còn được trang hoàng bằng hai triệu bóng đèn điện rọi sáng dòng chữ “nhân danh thánh Allah” ghi trên bốn mặt của đồng hồ. Để nhắc tín đồ cầu nguyện, 21 nghìn ngọn đèn màu xanh và trắng rọi chiếu 5 lần mỗi ngày từ đỉnh tháp mà trong phạm vi 30 km mọi người đều có thể nhìn thấy.

Đối với những người khởi xướng công trình hoành tráng này thì Mecca mới là trung tâm vũ trụ chứ không phải Greenwich. Còn dưới con mắt người Ả-rập Xê-út thì việc áp dụng Thời gian Trung bình Hồi giáo có ý nghĩa xóa nốt một trong những tàn dư ảnh hưởng cuối cùng của thực dân Anh.

Sự việc này còn mang một thách thức lớn khác. Giờ Mecca đi trước giờ GMT 3 tiếng. Kinh tuyến Greenwich giờ đây là một trong những điểm thu hút đông nhất khách du lịch đến thủ đô nước Anh. Mặc dù vậy, lãnh đạo Đài thiên văn Luân Đôn cũng không có gì phải lo ngại.

Giờ GMT đã không ít lần đã chống chọi thành công với những ý đồ “lật đổ”, nhất là từ nước Pháp. Từ năm 1667, người Pháp đã định lấy kinh tuyến Paris để cạnh tranh với Greenwich, nhưng hội nghị quốc tế Washington năm 1884 đã lấy Greenwich là giờ chuẩn quốc tế, khi đó nước Pháp không tham dự.

Bị tự ái vì kinh tuyến Paris không được lấy làm chuẩn gốc, cho đến tận năm 1911 nước Pháp vẫn gọi giờ GMT là giờ Anger, một địa danh của Pháp nằm trên cùng kinh tuyến Greenwich. Đối với người Anh thì thời gian còn quý hơn vàng, đúng giờ là một yêu cầu còn khắt khe hơn cả tôn giáo, và họ tin rằng giờ Greenwich sẽ vẫn tồn tại mãi mãi là giờ chuẩn quốc tế.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế