TÌNH BÁO - VĂN HỌC

Mẫu hình thực của điệp viên James Bond 007

Một điệp viên đổ bộ vào bờ biển Hà Lan, trút bỏ bộ áo lặn, và nhẹ nhàng trong bộ quần áo dạ hội bước vào một sòng bạc. Câu chuyện này mang dáng dấp của nhân vật tiểu thuyết huyền thoại James Bond, nổi danh với biệt danh điệp viên 007.  

Nhà sử học Keith Jeffrey, cùng với cuốn lịch sử tình báo Anh
Nhà sử học Keith Jeffrey, cùng với cuốn lịch sử tình báo Anh REUTERS/Andrew Winning
Quảng cáo

Tuy nhiên, đây là một câu chuyện có thực xảy ra vào năm 1940, trong thời gian chiến tranh Thế giới thứ hai, được thuật lại trong cuốn sách dày 800 trang, xuất bản tuần này, mà tác giả là nhà sử học Keith Jeffrey, giáo sư đại học Queen’s University ở Belfast. Theo AFP, ông Jeffrey đã được Cơ quan tình báo Anh (MI6), đề nghị khai thác kho lưu trữ của MI6 để viết ra một lịch sử chính thức về chính tổ chức này.

Đây là một đề nghị đặc biệt, bởi vì tổ chức này nằm mãi trong màn bí mật cho đến năm 1994, khi chính phủ Anh công nhận sự tồn tại của MI6.

Cuốn sách mang tên MI6, lịch sử cơ quan tình báo, mô tả các hoạt động của tổ chức này từ năm 1909 đến năm 1949. Theo Le Figaro, giới hạn 1949 được đặt ra cho phép tránh được thời điểm đen tối nhất của tình báo Anh, khi phát hiện ra sự phản bội của Kim Philby và bốn thành viên khác của nhóm « năm người Cambridge », đã chuyển tài liệu bí mật cho Maxcơva từ những năm 1930 đến những năm 1950.

James Bond, điệp viên huyền thoại, đã được nhà văn Ian Fleming, vốn cũng là một sĩ quan tình báo Anh trong Thế chiến hai, lấy nguyên mẫu từ một gián điệp có hạng, Wilfred Dunderdale, phụ trách văn phòng Paris của cơ quan tình báo Anh trong những năm 1930. Người gián điệp này đã trở thành bạn của nhà văn vào giai đoạn cuối nghề.

Dunderdale là con trai của một kỹ sư người Anh, làm việc trong ngành công nghiệp hàng hải ở Odessa. Ông nói thành thạo tiếng Nga. Năm 1919, ông bắt đầu làm việc cho MI6. Nhà sử học, tác giả cuốn sách về tình báo Anh cho biết : Dunderdale có vẻ ngoài hấp dẫn, và vào giai đoạn cuối đời, ông rất thích kể chuyện về bản thân. Một trong các chuyện ông hay kể là việc ông phiên dịch cho một viên tướng Nga, trên một chuyến tàu, muốn tìm cách tán tỉnh một phụ nữ người Anh.

Trên thực tế, sức hấp dẫn của điệp viên 007 là đến từ những đồ vật mới lạ. Nhà sử học Jeffrey đã cho biết tác giả của các tiểu thuyết về James Bond đã lấy cảm hứng từ các hoạt động của MI6 như thế nào. Một trong các bộ phận của tình báo Anh mang bí danh « Q », có nhiệm vụ chuẩn bị các trang bị cho các điệp viên. Trong số những trang bị đặc biệt, có bút phun khói làm cay mắt, máy ảnh nằm trong bao diêm, hay một dụng cụ đặc biệt để phá các tủ kiên cố. Trả lời phỏng vấn AFP, nhà sử học Jeffrey cho biết : quá trình hoạt động của tình báo Anh để lại nhiều phát kiến đơn giản mà gây sốc, ví dụ như sử dụng tinh dịch như là một thứ mực viết không để lại dấu vết, tốt chưa từng thấy. Mực tinh dịch không hiện lên dấu vết, ngay cả khi dùng hơi iode để thử.

Thế giới của những nhà tình báo có lẽ kích thích trí tưởng tượng. Nhiều nhà văn nổi tiếng đã hoạt động cho MI6, như Graham Greene, Somerset Maugham, Arthur Ransome và Malcolm Muggeridge. Tác phẩm của Graham Greene mang rõ dấu ấn của các hoạt động tình báo.

Có vẻ như để trấn an những người dễ xúc động, tác giả cuốn Lịch sử tình báo Anh cho biết cuộc đời huyền thoại của điệp viên 007, với "giấy phép giết người" chỉ là một sự thổi phồng. Thực tế là, theo nhà sử học, MI6 khá lành. Tổ chức này chỉ tham gia vào hai vụ ám sát bất hợp pháp.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế