BIỂN ĐÔNG

Quan hệ Trung Quốc - ASEAN : “già néo đứt dây”

Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore là một trong những chính khách có uy tín tại Đông Nam Á. Ông vừa khuyến cáo Bắc Kinh không nên thúc ép các nước nhỏ trong ASEAN một cách quá đáng, vì điều đó sẽ gây hại cho Trung Quốc. Phân tích về diễn biến gần đây trong mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN liên quan đến Biển Đông, ông đã đưa ra lời khuyên nói trên trong bài “Cuộc đấu (Mỹ - Trung) giành ưu thế (tại châu Á Thái Bình Dương)” - Battle For Preeminence - đăng trên Tạp chí Mỹ Forbes Magazine số đề ngày 11/10/2010.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội ngày 23/07/10, Ngoại trưởng Mỹ đã làm rõ lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông
Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội ngày 23/07/10, Ngoại trưởng Mỹ đã làm rõ lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông Nguồn : asean2010.org
Quảng cáo

Vì bận rộn với các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã nhường Đông Á và khu vực Thái Bình Dương lại cho diễn viên lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc. Bây giờ vào lúc Hoa Kỳ đang thu dọn cuộc chiến Irak và lập kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2011, Tổng thống Obama đã quyết định tái lập quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Tại sao điều này quan trọng ? Bởi vì trọng tâm của kinh tế và địa chính trị thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế hai bên Thái Bình Dương sẽ làm cho khu vực này trở thành quan trọng và năng động nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Nhưng trở thành cường quốc ưu việt ở đây sẽ đòi hỏi sự tập trung ý chí và phương tiện.

Tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã đệ trình một đề xuất chung trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để đòi chủ quyền trên khu vực thềm lục địa mở rộng bao hàm một dải đảo nhỏ ở phía Nam Biển Đông. Việt Nam cũng đồng thời đệ trình một đề xuất riêng (cho khu vực ở phía Đông Bắc Biển Đông).

Trung Quốc đã phản bác hai bản đệ trình kể trên. Trong một công hàm gởi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh khẳng định rằng họ "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và lòng đất bên dưới."

Đính kèm theo công hàm là một bản đồ cũ với các đường gián đoạn theo hình chữ U bao quanh tất cả khoảng 200 hòn đảo lớn và nhỏ, mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ. Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu cá nhân của Malaysia, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Brunei.

Hoa Kỳ trở lại Đông Á

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) ngày 23/07/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích thiết yếu trong khu vực và trong việc giải quyết hòa bình (theo quy định của pháp luật - trong trường hợp này là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS) các tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Bà Clinton nói thêm rằng việc giải quyết những tranh chấp này rất quan trọng đối với an ninh khu vực và Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ sự tự do lưu thông, việc tiếp cận được các quyền liên quan đến biển và việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực giàu tài nguyên này.

Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã phản pháo, cho rằng ý kiến có vẻ như công bằng của bà Clinton thực ra "là một đòn tấn công vào Trung Quốc." Ông tiếp lời cho rằng Biển Đông hiện vẫn là một khu vực hòa bình và nói thêm rằng ASEAN không phải là một diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề tranh chấp. Đối với ông Dương Khiết Trì, sở dĩ Trung Quốc và một số nước ASEAN có một số tranh chấp lãnh thổ trên biển, đó là vì họ là hàng xóm, chứ không phải vì các quốc gia này là thành viên ASEAN. Ông nhắc lại rằng đây không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và khối ASEAN và Trung Quốc chủ trương đàm phán riêng rẽ với từng nước có tranh chấp.

Ngòi nổ khiến cho tất cả những đòi hỏi và phản đòi hỏi trên đây chính là việc Việt Nam giao quyền thăm dò dầu khí trong một số khu vực cho các hãng BP và ExxonMobil. Vào năm 2008, Trung Quốc đã cảnh cáo ExxonMobil là phải hủy bỏ thỏa thuận thăm dò với Việt Nam nếu không muốn gây nguy hiểm cho bất kỳ hợp đồng tương lai nào ký kết với đại lục. Theo Trung Quốc thì các khu vực liên can "một bộ phận không thể tranh cãi của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa."

Vì là nước chủ trì Hội nghị ASEAN, Việt Nam đã đưa vấn đề vào chương trình chính, dẫn đến sự can thiệp của Mỹ. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, với việc Hoa Kỳ xác định rõ ràng là quan hệ này không chỉ đơn thuần là hợp tác, mà sẽ có những giới hạn đối với quyền lực của Trung Quốc, đặc biệt là đối với cách xử sự của Bắc Kinh với các nước nhỏ trong khu vực.

Các lợi ích hỗ tương

Ngày 16/08/10, Lầu Năm Góc báo cáo rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa, tàu ngầm, tàu sân bay và phương tiện chiến tranh trên mạng. Trung Quốc sẽ có thể tấn công các mục tiêu vượt quá Đài Loan đến tận đảo Guam (của Mỹ). Đây là bước khởi đầu của một trận đấu kéo dài nhiều thập niên giữa Mỹ và Trung Quốc để giành thế thượng phong tại Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, có một yếu tố tạo ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung. Đó là sự kiện cả hai quốc gia đều cần đến sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh của nhau : Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư và thị trường của Mỹ; Hoa Kỳ cần thị trường Trung Quốc cũng như thỏa thuận và / hay là sự hỗ trợ của nước này trong việc giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Lợi ich hỗ tương có thể là một động lực mạnh mẽ.

Trung Quốc cần phải thận trọng cân nhắc xem là việc nhấn mạnh đòi hỏi thương thuyết riêng lẻ với từng nước ASEAN liệu có sẽ làm cho các quốc gia này xích lại gần Hoa Kỳ hơn hay không. Một trong những mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là hòa nhập được với khối ASEAN về mặt kinh tế, cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc sẽ thất bại trong mục đích của họ nếu đẩy các nước ASEAN về phía Hoa Kỳ, đặc biệt là từ khi Mỹ tuyên bố lập trường là một trong những hậu thuẫn cho các yêu cầu hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế