Các khách sạn huyền thoại của Paris lần lượt vuột khỏi tay người Pháp
Xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, các khách sạn lớn thuộc loại 5 sao ở Paris đều được cả thế giới biét đến, vì tiêu biểu cho cách sống sang trọng theo kiểu Pháp. Nhưng vào thời kỳ toàn cầu hoá hiện nay, các cơ sở này lần lượt rơi vào tay nước ngoài, với Châu Á là thành phần chủ nhân mới nhất.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hiện nay, trong số các khách sạn nổi tiếng Paris, chỉ còn duy nhất Fouquet’s, trên Đại lộ Champs - Elysées là hoàn toàn trong tay người Pháp. Sự kiện này hiếm hoi đến mức mà ông Dominique Desseigne, chủ tịch tập đoàn Lucien Barrière, chủ nhân Fouquet’s, đã cảm thấy rất hãnh diện. Còn các đàn anh, đàn chị lâu đời hơn, thì đã dần dần lọt vào tay nước ngoài.
Biểu tượng nổi tiếng của Paris, khách sạn 5 sao Crillon (Hotel du Crillon) nằm ở quảng trường Concorde, ra đời năm 1909, đã bị tập đoàn đầu tư Mỹ Starwood Capital mua lại cách đây 5 năm. Crillon cho đến năm 2005, vẫn nằm trong tay của nhóm Pháp Taittinger, chủ nhân rượu Champagne nổi tiếng cùng tên.
Starwood Capital cũng đã từng thâu tóm Lutetia, một khách sạn nổi tiếng khác của Paris, tròn 100 tuổi vào năm 2010, rồi sau đó nhượng lại cho Alrov một tập đoàn Israel. Đối với Việt Nam, Lutetia được biết đến là nơi cư ngụ của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong cuộc hòa đàm Paris năm 1972.
Một cơ sở tên tuổi khác, khách sạn George V, nằm trên đại lộ cùng tên cắt ngang đại lộ Champs - Elysées, đã được ông hoàng Ả rập Xê út Al – Walid, mua lại vào năm 1996. Trong những khách lui tới khách sạn này có thể kể đến cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton.
Còn khách sạn Ritz mà người sáng lập là César Ritz, mở cửa vào năm 1898, ở quảng trường Vendôme, nổi tiếng với các hiệu nữ trang sang trọng, đã bị nhà tỷ phú Ai Cập Mohamed Al-Fayed mua lại vào năm 1979. Con trai của Mohamed Al Fayed đã chết trong tai nạn xe hơi cùng với Công nương Anh Quốc Diana, tại Paris năm 1997.
Dĩ nhiên, mỗi khi ghé Paris, Công nương Diana đều đến khách sạn Ritz, nơi cũng đã từng đón Coco Chanel, và nổi tiếng là nơi qua lại của giới văn nghệ sĩ : từ văn hào Mỹ Ernest Hemingway (năm 1944), cho đến các tài tử huyền thoại Gary Cooper, Audrey Hepburn, trước đây, hay đến lượt các tên tuổi như Tom Cruise, Sharon Stone, Woody Allen... ngày nay.
Khách sạn lâu đời hơn nữa, Meurice trên đường Rivoli, mở cửa từ 1835, đã lọt vào tay tập đoàn Dorchester của hoàng thân Brunei cùng với khách sạn Plazza Athénée, trên đại lộ Montaigne, nơi tập hợp các nhà thời trang sang trọng. Plazza Athénée xuất hiện từ năm 1911, nay cũng sắp được 100 tuổi.
Còn chủ nhân của Khách sạn Royal Monceau, trên đại lộ Hoche, không xa Khải Hoàn Môn, khai trương năm 1928, hiện là tập đoàn đầu tư Qatari Diar, của xứ ả rập Qatar. Tuy nhiên việc khai thác quản lý khách sạn này thì do Raffles một tập đoàn khách sạn tên tuổi ở Singapore đảm trách.
Bên cạnh những khách sạn lâu đời của Paris, nhiều tên tuổi khác đang xuất hiện tại những địa điểm quen thuộc với khách nước ngoài, đây là những khách sạn Châu Á, như Shangri-la, nằm ở quảng trường Iéna, nhìn ra tháp Eiffel, và dự kiến mở cửa vào tháng 12 năm nay. Trước đây, nơi này là tư dinh của người cháu của Napoléon Bonaparte.
Một khách sạn lớn đang được chờ đợi là cơ sở của tập đoàn khách sạn Hong Kong Peninsula, dự kiến mở cửa năm 2012. Khách sạn này chiếm chỗ của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber của bộ ngoại giao Pháp, từng đón Hội nghị 4 bên về Việt Nam. Trung tâm Kléber đã được bán lại cho tập đoàn Hong Kong nói trên để xây dựng thành khách sạn. Một khách sạn khác, Mandarin Oriental của một tập đoàn Hong Kong gần Quảng trường Vendôme, sẽ đón khách vào giữa năm tới.
Các khách sạn Châu Á mới chen chân ở Paris dĩ nhiên thu hút trước tiên là khách hàng giàu sang của Châu Á, nhưng cũng là đối thủ lợi hại cạnh tranh với những ‘’định chế’’ lâu đời hơn ở Paris. Tuy nhiên, tổng giám đốc khách sạn Georges V, Christopher Norton, trấn an là không sợ vì sẽ ‘’có chỗ’’ cho mọi người.
Tuy nhiên, với sự canh tranh mới này, theo giới chuyên nghiệp, các khách sạn nổi tiếng của Paris phải ‘’đổi mới’’ để thích nghi với khách hàng mới nếu không muốn bị ‘’tuột hạng’’.
Việc các khách sạn hạng sang Châu Á, tìm cách chen chân vào Paris, cũng là một dấu hiệu cho thấy là quốc tế công nhận chất lượng hàng đầu của Paris trong ngành khách sạn. Vì tính ra thì tại các khách sạn tầm cỡ này ở Paris, tiền phòng đắt hơn ở Luân Đôn hay New York, giá trung bình lên đến 900 euro một đêm.
Các khách sạn như Shangri-la hay Royal Monceau-Raffles còn được xem như đầu cầu để vào Châu Âu. Đối với giới chuyên nghiệp đây là ‘’những tấm thảm đỏ’’ trải ra để đón khách hàng các nước đang vươn lên.
Theo tổng giám đốc khách sạn George V, ông Norton, nếu cách đây 5 năm, người Nga chỉ chiếm từ 2 đến 3% khách hàng của ông thì ngày tỷ lệ này là 8%. Khách hàng Ấn Độ và Trung Quốc hiện là 2 và 4%. Nhưng dĩ nhiên khách hàng Mỹ vẫn quan trọng nhất chiếm đến 35%.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký