Virus corona: Việt Nam diễn tập đối phó kịch bản 30 000 ca nhiễm bệnh
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hôm nay, 04/03/2020, Việt Nam tổ chức diễn tập quân sự để đối phó với dịch virus corona (Covid-19), theo 5 kịch bản. Lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về kịch bản ''cấp độ 5'', với khả năng 30 000 người bị nhiễm virus.
Trong lúc dịch virus corona có nguy cơ lan rộng, thông tin về kịch bản có đến 30 000 người nhiễm virus tại Việt Nam có thể gây hoang mang trong dư luận, trong lúc nhiều người rất hoài nghi về tính thiết thực của phương án đối phó nói trên.
Diễn tập quân sự đối phó dịch Covid-19 hôm nay được thực hiện theo 5 cấp độ. Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập), cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 người đến 1000 người mắc), cấp độ 4 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1000 đến 3000 người mắc) và cấp độ 5 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3000 đến 30 000 người mắc và lây lan vào một số đơn vị quân đội).
Hôm nay, tại sở chỉ huy bộ Quốc Phòng, phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - trực tiếp theo dõi và chỉ đạo ''cuộc diễn tập thực binh chống dịch Covid-19 của các đơn vị quân đội''. Cùng dự ở điểm cầu truyền hình bộ Quốc Phòng có bộ trưởng Quốc Phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Tại khu vực phía bắc, trung đoàn 916 thuộc sư đoàn Không quân 371, quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển tiếp ứng lực lượng, trang bị, vật chất phòng chống dịch Covid-19. Địa điểm diễn tập chính là Sơn Tây. Tại khu vực phía nam, buổi diễn tập sẽ diễn ra tại 13 điểm cầu gồm Quân khu 7, Bộ tư lệnh TP.HCM, Bộ chỉ huy quân sự 8 tỉnh, ba sư đoàn, diễn tập thực binh tại sư đoàn 317.
Một trong các bài tập tại sư đoàn 317 là ''lực lượng vũ trang sẽ xử lý tình huống'' có 15 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở; trong đó có 2 trường hợp nặng trong tổng 550 công dân Việt Nam cách ly.
Thông tin ''dễ gây hiểu lầm''
Trả lời RFI Tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý là thông tin nói trên rất dễ gây hiểu lầm. Trên thực tế, con số 30 000 nói trên đúng ra là con số để chỉ phương án chuẩn bị 30 000 giường cách ly (với các cơ sở do bộ Quốc Phòng quản lý), để đón tiếp những người trở về từ vùng dịch, hoặc bị nghi ngờ có khả năng nhiễm virus, trong đó có thể có một số khu dành riêng cho người được xét nghiệm dương tính với virus.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết : ''Thật sự ra cái đó là một thông tin mà mình đọc không kỹ, không phải là một nhà chuyên môn, thì chắc chắn mình sẽ hiểu lầm thôi. Hiểu lầm có nghĩa là bây giờ mà đã chuẩn bị đạt được 30 000 giường bệnh đó, thì bên ngoài đã phải là bao nhiêu người rồi mà mình không biết, cho nên người ta dễ hiểu lầm. Phải đính chính lại cái đó không phải là 30 000 bệnh nhân.'' Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích thêm: ''Diễn tập quy mô 30 000 (giường cách ly, chứ không phải giường bệnh), theo tôi, đó là dự trù cho kịch bản xấu nhất, chứ không phải là do tình hình của Việt Nam đâu, thật sự tình hình Việt Nam hiện nay cũng tương đối là ổn''.
Kịch bản ''30.000 ca nhiễm'': Lưu hành nội bộ ?
Thông tin về ''cấp độ 5'' (30 000 người nhiễm virus), liên quan đến các biện pháp từ phía quân đội, được công bố lần đầu tiên ngày hôm qua, 03/03. Trước đó trên mạng đã lan truyền một đoạn video, trong đó phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu trước báo giới, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02, khẳng định chính quyền đã sẵn sàng từ trước Tết cho phương án cao nhất để đối phó với khả năng ''30.000 người nhiễm virus''. Tuy nhiên, chính ông Vũ Đức Đam cũng đã nhắc nhở báo giới không tuyên truyền về ''cấp độ thứ 5'', vì sợ rằng, ''nếu tuyên truyền rộng mà không có giải thích, thì nhân dân sẽ hiểu rằng… tới đây sẽ có 30.000 ca nhiễm'', và theo ông, đây cần phải là một ''thông tin lưu hành nội bộ trong hệ thống chính quyền và y tế''.
Cho đến nay, ngành y tế Việt Nam mới có kịch bản 4 phương án chính thức, với cấp độ cao nhất là hơn 1 000 người nhiễm virus (đưa ra vào cuối tháng 1/2020). Về mặt chính thức, hiện nay, tại Việt Nam hoàn toàn không còn ca nhiễm virus nào, toàn bộ 16 trường hợp dương tính đều đã hoàn toàn bình phục. Như vậy, các tình huống trước mắt được coi là có nhiều thách thức trực tiếp nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt, và phải có các biện pháp phù hợp, đó là cách ly những người Việt, du khách nước ngoài từ các vùng có dịch, cũng như đối phó với khả năng lây nhiễm trong cộng đồng ở các khu vực dân cư có nguy cơ cao (tức ''cấp độ 1'', ''cấp độ 2'' và cao nhất là ''cấp độ 3'').
Nguy cơ rối nhiễu thông tin
Hiện tại dường như chính quyền, ngành y tế Việt Nam đang ưu tiên thực thi biện pháp nhiều vòng cách ly (''bốn vòng'' hay ''bốn bước''), với mục tiêu trước mắt là cách ly tốt các nhóm dân cư nguy cơ cao, để ngăn chặn nguy cơ từ gốc, thay vì hướng đến điều trị cho hàng nghìn, hàng chục nghìn bệnh nhân.
Tại Việt Nam, nỗi lo về dịch Covid-19 đang gia tăng, đặc biệt với các thông tin về dịch bệnh tràn ra nhiều nước, cùng lúc với việc hàng ngàn người từ Hàn Quốc ồ ạt trở về do dịch, hơn 10 000 người đang được cách ly, theo dõi. Trong bối cảnh này, theo một số chuyên gia y tế, việc truyền thông rầm rộ, và thậm chí có thể là sai lạc, về kịch bản 30 000 người nhiễm virus, cũng được coi là rất xa với thực tế vào thời điểm này, và cuộc diễn tập thực binh quy mô lớn hôm nay, không chỉ có nguy cơ gây thêm tâm lý lo ngại, thậm chí hoang mang trong xã hội, mà còn có thể làm lạc hướng chú ý khỏi mục tiêu cần ưu tiên hiện nay, là tập trung thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản của dịch tễ học, như nhận dạng người bị nghi nhiễm virus từ sớm, minh bạch thông tin, xét nghiệm sàng lọc, thực hiện cách ly phù hợp, hiệu quả (tại các trung tâm hay tại nhà).
Việc tuyên truyền rầm rộ về kịch bản 30 000 ca nhiễm virus cũng khiến một số người hoài nghi: Phải chăng chính quyền đã che giấu thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh?
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký