Virus corona - Việt Nam : Biện pháp toàn dân khai báo sức khỏe có khả thi và hiệu quả?
Ngày 08/03/2020 phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đề nghị bộ Thông Tin và Truyền Thông, bộ Y Tế, các nhà cung cấp mạng, các đơn vị công nghệ thông tin nhanh chóng hoàn tất các công cụ để thực hiện chính sách khai báo sức khỏe toàn dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trương xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Theo cập nhật mới nhất từ bộ Y Tế, tính đến hết ngày 08/03/2020, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 30 người dương tính với virus corona - trong đó 16 người đã được chữa khỏi ; 100 người bị nghi nhiễm đang được cách ly. Từ đầu mùa dịch, tại Việt Nam đã có hơn 18.000 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe.
Trả lời RFI Tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết một cách cụ thể làm thế nào để thực hiện chính sách "khai báo sức khỏe" toàn dân và mục tiêu của biện pháp đó là gì. Số lần khai báo có bị giới hạn hay không ? Làm thế nào để bảo đảm là "toàn dân" cùng thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ này ? Vấn đề bảo mật thông tin y tế cho bệnh nhân ?
Phỏng vấn BS Trương Hữu Khanh- BV Nhi Đồng 1-VN
BS. Trương Hữu Khanh : Theo tôi, việc khai báo sức khỏe là để mình nắm chặt tình hình về những người có triệu chứng lâm sàng và có yếu tố nguy cơ. Có nghĩa là làm sao phát hiện sớm những người có vấn đề sức khỏe, có nguy cơ mang mầm bệnh. Có khả năng sẽ sử dụng những ứng dụng điện thoại để làm công việc khai báo đó, hoặc mọi việc sẽ diễn ra chính tại những cơ quan y tế. Đó cũng là những nơi rất tốt để khai báo sức khỏe. Có lẽ tự khai báo thì thông tin sẽ được cập nhật hàng ngày về dịch tễ và triệu chứng.
RFI : Nếu khai báo hàng ngày, có nghĩa là không giới hạn số lần khai báo nhưng làm thế nào để kiểm soát và bảo đảm là "toàn dân", tức gần 90 triệu người thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ này ?
BS. Trương Hữu Khanh : Thực ra điều này cũng là khó. Cũng là kêu gọi thôi. Tôi được biết là khai báo sức khỏe không phải là điều gì ảnh hưởng đến người cần được giám sát. Thông báo rõ ràng của chính phủ là như vậy. Đây chỉ là biện pháp để chống dịch thôi, thì có lẽ là người dân sẽ hợp tác. Thật ra không là tám mươi mấy triệu người cùng phải khai báo sức khỏe. Em bé thì không có khai báo gì cả. Những người thường xuyên ở nhà thì cũng không cần khai báo. Thông báo này chỉ liên quan đến những người di chuyển nhiều, làm việc trong môi trường có khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh, có khả năng tiếp xúc với người nước ngoài. Chắc chắn là sẽ phải sử dụng công nghệ, chẳng hạn như ứng dụng điện thoại để chuyển những thông tin đó về cho cơ quan đặc trách xử lý.
RFI : Trong trường hợp người dân không cộng tác thì sao ?
BS. Trương Hữu Khanh : Hiện nay Việt Nam có luật phòng chống truyền nhiễm. Luật quy định nếu mang mầm bệnh và biết được điều đó, mà không tự khai báo, không tự bảo vệ mình và những người chung quanh, để lây lan bệnh cho những người khác thì sẽ bị phạt. Có thể dựa vào điều luật đó để yêu cầu mọi người khai báo sức khỏe qua ứng dụng điện thoại. Thí dụ như người đó giấu bệnh, khi phát hiện, có khả năng trường hợp này sẽ bị phạt. Đồng thời, khai báo sức khỏe không là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa dịch lây lan. Việt Nam có nhiều biện pháp khác. Thí dụ đến từ các vùng có dịch, khi vừa mới về sân bay là đã bị cách ly, tiếp xúc với người bệnh cũng bị cách ly. Vì vậy hiện tại số ca cách ly tăng vùn vụt sau ca nhiễm (thứ 17) được phát hiện trên máy bay.
RFI : Ở đây còn đặt ra vấn đề bảo mật thông tin của các bệnh nhân nữa ?
BS. Trương Hữu Khanh : Thật sự ra thì ngay khi cách ly, người đi theo, ghi chép, nguyên tắc đã là bảo mật rồi. Chuyển sang dùng ứng dụng điện thoại để phòng chống dịch thì cũng vậy thôi. Nhân viên có trách nhiệm phân tích các thông tin và dữ liệu cũng phải bảo mật các số liệu. Chắc chắn là sẽ có những ràng buộc đối với những người phân tích số liệu.
RFI : Hiệu quả chính sách chống dịch của Việt Nam cho tới thời điểm này ?
BS. Trương Hữu Khanh : Theo tôi, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 rất là quan trọng so với đáp ứng của ngành y tế. Nếu Việt Nam làm như vậy, tốc độ lan nhiễm sẽ chậm lại, qua đó dễ quản lý hơn nếu số người bệnh giảm xuống. Trong trường hợp của Việt Nam, quản lý 30 người khó hơn là 14, vì đã có 16 bệnh nhân được chữa khỏi. Chúng ta đã thanh toán được, kiểm soát được nguồn lây nhiễm của 16 ca nói trên. Giờ còn lại 14 ca thì cũng nhẹ gánh hơn. Nếu làm đúng như vậy cộng thêm với thời tiết nóng của Việt Nam thì sẽ thuận lợi cho việc phòng chống dịch.
RFI : Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuẩn bị nào ?
BS. Trương Hữu Khanh : Theo tôi biết các cơ sở của các tỉnh, trong đó có TP Hồ Chí Minh đã dự trù hết rồi. Thí dụ TP Hồ Chí Minh bàn đến việc sử dụng một khu vực ở gần sân bay, để hành khách (từ các vùng dịch hay có triệu chứng) xuống là mình cách ly luôn. Tuy nhiên tùy theo mức độ và số ca lây nhiễm thì Việt Nam sẽ mở dần dần khu vực đó. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng tính toán lại tổng nguồn lực nhân viên y tế, về dụng cụ y tế, thuốc men... Có lẽ là những tỉnh khác cũng tính như vậy thôi. Trong những ngày qua chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp và bàn tính rất nhiều về các phương án. Chẳng hạn như huy động trước tiên là bác sĩ chuyên về các đường truyền nhiễm, rồi đào tạo cho các bác sĩ chuyên ngành khác, dạy cho họ những bước cơ bản để tham gia vào việc đối phó với dịch.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký