Không đề cập vấn đề Biển Đông tại hội nghị ADMM+
Điều mà các nước ASEAN mong muốn đó là phải lập ra một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc có vẻ như đang cố trì hoãn việc này, để có thể tiếp tục chiếm thế thượng phong trong khu vực này. Nếu các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng kế tiếp tục tránh né vấn đề Biển Đông, thì diễn đàn này sẽ khó có thể được coi là một cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.
Đăng ngày:
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 12/10 tới tại Hà Nội, với sự tham gia của bộ trưởng 10 nước ASEAN cùng với bộ trưởng các nước đối tác : Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Nga, Mỹ. Nhưng để bảo đảm cho thành công của hội nghị này, các bộ trưởng tham gia sẽ không đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như vấn đề Biển Đông.
Chủ đề của hội nghị đầu tiên này là « Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực », nhằm thúc đẩy việc xây dựng một cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng mới. Hội nghị Hà Nội đặc biệt thu hút sự chú ý của quốc tế, vì thủ đô Việt Nam sẽ là nơi mà hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Trung Quốc Lương Quang Liệt gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh cắt đứt mọi trao đổi quân sự với Washington, sau quyết định của Lầu Năm Góc bán vũ khí cho Đài Loan vào tháng Giêng năm nay. Cũng bên lề hội nghị ADMM +, hai Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và Trung Quốc có thể sẽ gặp nhau để cố cải thiện lại quan hệ song phương sau vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu cá.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mà Việt Nam, với một giọng điệu khá cứng rắn, vừa yêu cầu Trung Quốc trả tự do «ngay lập tức và vô điều kiện» cho 9 ngư dân bị bắt giữ từ ngày 11/9. Đối với Hà Nội, việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam nói trên là «hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam». Nói chung, Việt Nam và các nước khác trong ASEAN ngày càng lo ngại trước lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cũng như thái độ ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh.
Nhưng theo nhận định của hãng tin Reuters hôm qua, tại cuộc họp ADMM +, cũng như tại cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á vào cuối tháng này, Trung Quốc sẽ cố trấn an các láng giềng châu Á rằng họ là một cường quốc có trách nhiệm, sẳn sàng hợp tác, tuy rằng dư âm vụ đụng độ với Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền các đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa tan. Reuters trích lời giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc trường Đai học New South Wales, Úc, cho rằng, thành công của hội nghị ADMM Plus sẽ được đo lường bằng việc các bộ trưởng đã có thể gặp nhau và không một nước nào bị điểm mặt chỉ tên.
Trong cuộc họp báo hôm thứ năm, thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã nhấn mạnh điều đó, khi nói rằng cuộc họp sẽ cố xác định những quyền lợi chung, tránh trở thành « một nơi tranh cãi giữa các nước ». Ông Nguyễn Chí Vịnh còn nói thêm là hội nghị ADMM Plus lần đầu tiên sẽ tập trung vào những vấn đề chung, chứ không đề cập đến những vấn đề cụ thể, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông. Lý do được ông Vịnh nêu ra là hội nghị đầu tiên này sẽ không có thời giờ để bàn những vấn đề cụ thể đó.
Theo nhận định của ông Ernerst Bower, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, các nước tham dự hội nghị Hà Nội sẽ cố làm giảm căng thẳng Mỹ-Trung để củng cố một diễn đàn bộ trưởng quốc phòng châu Á vừa mới hình thành. Theo ông Bower, « điều này thật sự có ý nghĩa đối với Hoa Kỳ, vì đó là cơ chế quốc phòng và an ninh khu vực có tính chất then chốt trong việc giải quyết vấn đề của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. ».
Nhưng trước mắt, điều mà các nước ASEAN mong muốn đó là phải lập ra một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc có vẻ như đang cố trì hoãn việc này, để có thể tiếp tục chiếm thế thượng phong trong khu vực này. Nếu các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng kế tiếp tục tránh né vấn đề Biển Đông, thì diễn đàn này sẽ khó có thể được coi là một cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký