VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Vấn đề Biển Đông vẫn được nêu lên tại Hội nghị ADMM+ ở Hà Nội

Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với 8 nước đối tác gọi tắt là ADMM + đã diễn ra vào hôm nay 12/10/2010, tại Hà Nội. Cho dù không có trong chương trình nghị sự, nhưng hồ sơ Biển Đông đã được Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước khác gợi lên.

Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất, Hà Nội, 12/10/2010
Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất, Hà Nội, 12/10/2010 Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Cuôc họp đầu tiên của cơ chế ADMM+ tập hợp đại diện của 10 nước ASEAN, và 8 nước đối thoại của khối Đông Nam Á là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zeland. Tất cả các nước đều cử bộ trưởng quốc phòng đến dự, ngoại trừ Miến Điện là cho đại sứ đến tham gia.

Vấn đề Biển Đông đã được phía Việt Nam gợi lên trước tiên. Trong diễn văn chào mừng Hội nghị, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch đương nhiệm của ASEAN đã kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển, ý muốn nói đến các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Thủ tướng Việt Nam đã cho rằng : « Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực », và để thực hiện mục tiêu đó, « các nước cần tăng cường đối thoại và hợp tác để tạo dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau… tích cực xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực và quy tắc ứng xử, đặc biệt là tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982… »

Ông Nguyễn Tấn Dũng còn kêu gọi các nước « tiếp tục tôn trọng và phát huy các công cụ bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực hiện có của ASEAN… » trong đó có bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC). Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ Bloomberg, thủ tướng Việt Nam còn kêu gọi hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ngoài Việt Nam, Hoa Kỳ là nước cũng gợi lên vấn đề Biển Đông khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates bày tỏ thái độ quan ngại trước tác hại của các tranh chấp lãnh thổ trên biển đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, và nhắc lại đề nghị của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực đề ra một « bộ quy tắc ứng xử » cho vùng Biển Đông.

Vào hôm qua, trong cuộc tiếp xúc với các sĩ quan quân đội Việt Nam, ông Gates đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại vùng Thái Bình Dương một cách đa phương, vì theo ông, « nếu chỉ dựa vào các quan hệ song phương mà thôi thì chưa đủ ». Quan điểm này đã được bộ trưởng Mỹ nhắc lại hôm nay trong diễn văn của mình tại Hội nghị ADMM+.

Theo báo chí Việt Nam, chính đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã tiết lộ với báo giới vào hôm nay là một số bộ trưởng các nước đã nêu tình hình an ninh trên Biển Đông trong hội nghị. Riêng phía Việt Nam, theo ông Thanh, thì đã đề xuất việc tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), được cho có tính ràng buộc pháp lý cao hơn bản Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).

Cũng theo báo chí Việt Nam, trước đó, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam xác nhận rằng trong số các nước nêu vấn đề Biển Đông, ngoài một số nước ASEAN, có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn theo một quan chức cao cấp Mỹ thì có bẩy nước trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã bầy tỏ mối quan ngại về vùng biển, nơi đang có những tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc.

Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất đã bế mạc hôm nay với bản tuyên bố chung khẳng định vai trò chủ chốt của một định chế sẽ là « cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các thành viên ASEAN và 8 nước “Cộng”. Hội nghị ADMM+ lần thứ hai sẽ diễn ra tại Brunei vào năm 2013 khi nước này đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế