VIỆT NAM

Vinashin lại có lãnh đạo mới

Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lại bổ nhiệm một Tổng Giám đốc mới và một Chủ tịch Hội đồng Thành viên mới cho tập đoàn Vinashin. Từ ngày vụ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm ăn bê bối bị tiết lộ công khai ( từ tháng 8 đến nay), bộ phận lãnh đạo tập đoàn này đã nhiều lần bị thay thế

Vinashin Việt Nam
Vinashin Việt Nam
Quảng cáo

Theo báo chí trong nước, Tân Tổng giám đốc điều hành Vinashin là ông Trương Văn Tuyến, hiện là Phó Tổng giám đốc Petro Việt Nam, Trưởng ban Quản lý dự án lọc dầu Dung Quất. Ông được cử lên thay thế ông Nguyễn Quốc Ánh, cho dù ông Ánh cũng chỉ mới lên nhận chức vụ này sau khi cựu Tổng giám đốc Trần Quang Vũ bị đình chỉ chức vụ hồi tháng 8/2010.

Như vậy, từ tháng 8 đến nay, Vinashin đã phải 3 lần thay đổi lãnh đạo, cho thấy là công việc cải tổ tập đoàn làm ăn thua lỗ nâng nề này không phải là chuyện dễ dàng. Giới quan sát ghi nhận sự kiện là người mới được cử làm Tổng giám đốc điều hành Vinashin lại không nằm trong giàn lãnh đạo cũ của tập đoàn này, mà lại đến từ bên ngoài trong lúc 2 người trước đều xuất thân từ Vinashin.

Ngoài tân Tổng giám đốc, Vinashin cũng có thêm một lãnh đạo mới khác, cũng được lấy từ tập đoàn Petro Vietnam. Đó là ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Petro Vietnam, được cử làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Vinashin. Đồng thời thủ tướng Việt Nam cũng quyết định cho ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải thôi kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin.

Xin nhắc lại là trong những năm trước đây, Vinashin thường được phô trương là một tập đoàn hùng mạnh của Việt Nam, cho đến cuối năm 2009 bao gồm một công ty mẹ và khoảng 200 công ty con, hoạt động trong rất nhiều ngành, không nhất thiết phải gắn liền với hoạt động chính là đóng tàu.

Tuy nhiên, mới đây, cung cách làm ăn bê bối trong nhiều năm trời của tập đoàn này đã bị phanh phui, và công chúng mới được biết rằng bản thân Vinashin cũng như các công ty con hoạt động không hiệu quả, khiến tập đoàn mắc phải một số nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, tương đương với gần 89% tổng trị giá của tập đoàn.

Vụ việc bị phát giác, cho đến nay đã có 6 lãnh đạo cao cấp của tập đoàn này bị bắt để điều tra, trong đó có cả ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám Đốc lâu năm của Vinashin trước khi bị tống giam. Trong số này có cả trường hợp ông Trần Quang Vũ, người được cử lên thay ông Bình.

Ngoài việc thay đổi guồng máy lãnh đạo, do việc Vinashin mắc nợ đến hơn 4 tỷ đô la, (đặc biệt là nợ các ngân hàng nước ngoài như Natixis của Pháp, Crédit Suisse của Thụy Sĩ hay Deutsche Bank của Đức). Chính quyền Việt Nam đã phải tái cơ cấu để cứu doanh nghiệp này khỏi bị phá sản.

Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự lụn bại tài chính của Vinashin là chính phủ đã buông lỏng quản lý, để cho lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư tùy tiện vào quá nhiều lĩnh vực không liên quan gì đến ngành đóng tàu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và xã hội.

Theo báo chí Việt Nam, Tập đoàn Vinashin hiện chỉ còn được hoạt động trong 3 ngành chính là : đóng và sửa chữa tàu thủy, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa tàu, và đào tạo nhân viên cho ngành công nghiệp tàu thủy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế