Báo chí Pháp ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội
Tuần báo Le Nouvel Observateur dành hai trang giới thiệu vẻ đẹp Hà Nội. Với tựa đề : « Hà Nội Nghìn Năm tuổi », bài viết nhận định : Có thể nói rằng thủ đô Việt Nam là thành phố đẹp nhất và quyến rũ nhất trong các thành phố Đông Nam Á.
Đăng ngày:
Theo tác giả, Hà Nội đẹp và quyến rũ, đó là một tuyệt phẩm của hai dân tộc Việt- Pháp. Bên cạnh khu phố cổ của người Việt, ngay từ năm 1882, một thành phố « lý tưởng » đã được xây dựng : một thành phố rợp bóng cây, với đây đó ẩn hiện những ngôi chùa cổ ; một thành phố có nhiều dinh thự (như dinh Toàn quyền Đông dương hiện tại là phủ chủ tịch nước), với một nét thanh lịch độc đáo, với nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, với một lối kiến trúc mà người ta chỉ thỉnh thoảng bắt gặp ở vùng Côte d’Azur nước Pháp.
Tác giả cho rằng cách tốt nhất để tham quan Hà Nội là lang thang trên những con đường với một vẻ đẹp khi hiển hiện, khi kín đáo, một vẻ đẹp kết hợp Á-Âu, vừa mới mẻ vừa quen thuộc. Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng Hồ Gươm giữa lòng thành phố, với đền Ngọc Sơn được nối bờ bằng chiếc cầu màu đỏ thẫm. Gần đó là những khu phố mang tên rất đặc trưng như phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Quạt, Hàng Vải…
Du khách cũng không nên bỏ lỡ vẻ đẹp Hà Nội lúc bình minh. Nếu được trọ ở khách sạn Sofitel Métropole, du khách có thể nhìn cảnh tập dưỡng sinh của những cụ già, cảnh các em học sinh đến trường, người dân hối hả đi làm việc.
Sau cảnh nhộn nhịp buổi bình minh, du khách có thể tìm đến những quán phở để thưởng thức loại đặc sản bổ dưỡng này.
Hà Nội có nhiều quán ăn đẹp với lối trang trí tinh xảo, cách phục vụ niềm nở. Trong số đó, tác giả đặc biệt giới thiệu quán « Quán Ăn Ngon » ở quận Ba Đình. Ở đấy, du khách được thưởng thức đặc sản ba miền, với sự sang trọng kín đáo và một không gian vui nhộn.
Hóa chất độc hại tấn công thị trường thực phẩm Cam Bốt
Mấy thập niên qua, ngành nông nghiệp của Cam Bốt chưa tiếp xúc nhiều với sản phẩm hóa học. Gần đây, nhiều công ty đã cho nhập thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường các biện pháp quảng cáo sản phẩm hóa học.
Tuần san Pháp ngữ Cambodge Soir Hebdo của Cam Bốt cho biết : rau, thịt có chất bảo quản đã xuất hiện trên bàn ăn của người dân nước này. Sự việc được tuần san Le Courrier phản ánh qua bài viết : «Thuốc trừ sâu và vi khuẩn tấn công các hàng thực phẩm ở Phnom Penh».
Theo thống kê, năm 2008, trong 147 loại phân hóa học bán trên thị trường Cam Bốt, có đến từ 40 đến 50 loại độc hại. Trong đó, 51% nhập từ Việt Nam và 37% từ Thái Lan. Năm 2000, nước này đã chi đến 50 triệu đô la cho phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, và có đến 67% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu.
Một cuộc điều tra « Tìm hiểu về thịt heo nhiễm khuẩn » được tiến hành vào năm nay đã khiến cho người ta « phải lạnh xương sống » : Trên 10 mẫu thịt heo lấy từ 10 chợ khác nhau ở Phnom Penh, có đến 8 mẫu bị nhiễm khuẩn.
Còn tình hình ở các lò mổ thì thật kinh khủng. Đa số vẫn dùng cách giết mổ truyền thống : Người giết mổ làm việc không có quần áo bảo hộ, thậm chí có người còn ở trần khi làm việc. Người ta giết heo xong, chặt thịt ra và đưa lên xe để chở thẳng đến chợ. Tiết chảy đầy nền đất. Nhân viên thú y đến kiểm tra lấy lệ bằng mắt thường. Thậm chí, còn có tin đồn là những nhân viên này nhận tiền hối lộ để « mắt nhắm mắt mở » cho qua thịt kém chất lượng.
Việc sử dụng formol bảo quản thì rất phổ biến dù rất chính quyền cấm tuyệt đối. Theo các chuyên gia, Formol có thể gây nôn mửa, gây những rối loạn hô hấp, tiêu chảy, thậm chí gây tử vong. Chất này được xếp vào những chất gây ung thư. Thậm chí đến thủy hải sản cũng bị ướp formol bảo quản.
Hàn the (borax), một loại muối được dùng trong bảo quản cá, thịt, thì rất có hại cho da và hệ tiêu hóa.
Trước tình hình đó, người dân vẫn phải tiếp tục đến chợ mua cá thịt, và chỉ còn biết tin tưởng vào sự lương thiện của người bán.
Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát của chính quyền tỏ ra không hiệu quả. Theo bà Sieng Huy, giám đốc điều hành Hiệp hội Hóa học Cam Bốt, chính quyền vẫn làm công việc thuộc trách nhiệm của họ, nhưng những tay buôn bán bất chính luôn tìm cách gian lận để bán sản phẩm độc hại.
Tội ác quân đội Nhật Hoàng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai
Vẫn liên quan đến Châu Á, Le Couurrier International quan tâm đến Indonesia. Khi bị Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến thứ hai, nhiều phụ nữ nước này đã trở thành nô lệ tình dục cho quân đội Nhật. Tác giả phản ánh sự kiện này qua bài viết : « Nhục nhã và vô tội »
Người phụ nữ đầu tiên mà tác giả đề cập năm nay đã 80 tuổi, tên là Paini. Trong cuộc tiếp xúc, dù cố gượng cười, gượng nói, nhưng bà vẫn không dấu được nỗi niềm cay đắng và đã nhiều lần bật khóc khi kể về nỗi nhục nhã phải gánh chịu thời niên thiếu. Năm 13 tuổi, bà được tuyển vào làm việc trong một trại lính Nhật cạnh làng. Công việc chủ yếu là làm bếp. Thế nhưng, đêm định mệnh đã đến với bà: Một nhóm lính tuần tra Nhật đến bắt bà mang về đồn và thay nhau hãm hiếp. Sự việc lập đi lập lại suốt năm tháng trời. Một trường hợp tương tự là bà Mardiyah, 84 tuổi.
Paini và Mardiyah là 2 nạn nhân trong số hàng ngàn phụ nữ Indonesia lâm vào bước đường làm nô lệ tình dục. Câu chuyện và hình ảnh của họ cùng với 16 nạn nhân khác đã được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Hà Lan ở Jakarta. Đó là những bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Jan Banning thực hiện trong những chuyến bôn ba tìm dấu vết những nạn nhân cùng với nhà nhân chủng học Hà Lan Hilde. Ông Hilde đã phỏng vấn 50 nạn nhân, và tập hợp những mảnh đời bất hạnh này trong quyển sách mang tên « Nhục nhã và vô tội : Lịch sử cuộc chiến bị dồn nén của những phụ nữ nô lệ tình dục ở Indonesia ». Quyến sách thứ hai về đề tài này của Hilde mang tên « những phụ nữ « giải sầu ». Cả hai công trình này điều sử dụng hình ảnh do Banning thực hiện.
Bước đường tìm kiếm những phụ nữ này hết sức khó khăn, bởi hiện tại, nếu còn sống, tuổi họ cũng cũng ngoài 80. Thế nhưng, tác giả cho biết, khó khăn nhất là việc thuyết phục họ kể về quá khứ.
Chính phủ Indonesia thì tỏ ra thờ ơ khi cho rằng chẳng có ích lợi gì để gợi lại câu chuyện nhục nhã này. Một luật sư Indonesia nhận định : Thái độ đó còn tệ hại hơn Nhật Bản, vì ít ra Tokyo cũng đã thừa nhận sự việc dù họ cho rằng các nạn nhân tình nguyện.
Ước tính có đến 20 000 phụ nữ Indonesia từng bị ép làm nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản. Họ bị bắt cóc, hay bị lừa gạt là sẽ được cung cấp việc làm, thậm chí có khi còn được chính các quan chức trong làng tuyển dụng. Tuy nhiên, theo Hilde, con số này cao hơn nhiều.
Khi chiếm đóng Indonesia, để khích lệ lòng quân, chính phủ Nhật đã cho áp dụng hệ thống gọi là « phụ nữ giải sầu ». Tác giả dẫn lời Hilde để kết thúc bài báo : « Đối với những phụ nữ này, đó là một cơn ác mộng. Đã đến lúc, mọi người nên tìm hiểu và cảm thông cho số phận bi đát của họ».
Trung Quốc và giải Nobel Hòa Bình 2010
Cuối cùng trong mục điểm tuần báo hôm nay, chúng ta đến với một sự kiện đang thu hút dư luận thế giới, đó là việc giải Nobel Hòa Bình 2010 được trao cho nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba. Đa số tuần san Pháp đều có bài phân tích sự kiện này.
Trên tuần san Le Nouvel Observateur, độc giả sẽ tìm thấy ở trang 70 bài viết mang dòng tựa: “Giải Nobel gây kinh hoàng cho Trung Quốc”. Bài viết cho biết, giải Nobel Hòa Bình đã làm cho Lưu Hiểu Ba trở thành người tiên phong trong cuộc đấu tranh chống độc tài ở Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Bắc Kinh ra sức bưng bít thông tin. Tân Hoa Xã cho rằng Lưu Hiểu Ba là tội phạm bị xét xử đúng theo luật pháp Trung Quốc và tố cáo Ủy ban Nobel Na Uy đã “báng bổ ý nguyện của Alfred Nobel”. Ngoài thông tin này của Tân Hoa Xã, các hãng truyền thông khác trong nước đều im hơi lặng tiếng.
Le Nouvel Observateur cũng dành bài viết về thủ tướng Ôn Gia Bảo với câu hỏi “Ai sợ ông Ôn?”.
Bài viết cho biết, ngay cả thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng bị “kiểm duyệt”. Khi trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình CNN ngày 03/10 vừa qua, ông Ôn đã khẳng đinh: “Quyền tự do ngôn luận là cần thiết….Nhu cầu về dân chủ và tự do là tất yếu”.
Sau đó, bài trả lời này đã vắng bóng trên các phương tiện truyền thông chính thức. Những tuyên bố gần đây của ông Ôn đã tạo cho ông một hình ảnh nhà lãnh đạo có tinh thần cải cách và biết lắng nghe tiếng nói người dân, và cũng cho thấy ông đang dấn thân vào cuộc chiến nội bộ chống lại phe bảo thủ trong bộ Đảng. Một ý kiến trên mạng cho rằng nếu thủ tướng Ôn Gia Bảo thực hiện được những cải cách như đã nói, thì ông sẽ trở thành vĩ nhân của thế kỷ 21. Một người khác tuyên bố : « Nếu cải cách được như ông nói, thì tôi sẵn sàng công hiến tính mạng này cho ông ta”.
Tạp chí Le Courrier International dành gần 11 trang báo cho chủ đề này.
Đáng chú ý nhất là bài viết mang dòng tựa: “Lưu Hiểu Ba chỉ là mặt nổi của tảng băng”. Ủy ban Nobel công nhận và đánh giá cao những thành tựu kinh tế và xóa đói giảm nghèo mà chính phủ Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua. Nhưng bên cạnh đó, Ủy ban này cũng chỉ trích nặng nề việc trung Quốc vi phạm nhân quyền, vi phạm các công ước quốc tế mà nước này đã ký kết, và vi phạm chính Hiến pháp của Trung Quốc. Theo Ủy Ban Nobel, việc bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy hòa bình có liên quan với nhau, vì thế, việc trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba là hoàn toàn phù hợp với di nguyện của người sáng lập.
Trong khi đó chính phủ Bắc Kinh tố cáo các nước phương Tây cố ý áp đặt các giá trị văn hóa Tây Âu cho Trung Quốc, cố tình bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc, và tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quôc trên trường quốc tế.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký