Condominas : chứng nhân văn hóa dân Mnong Gar (Tây Nguyên Việt Nam)
Đăng ngày:
Nghe - 16:27
Ngày 17/07/2011, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas qua đời tại Paris, thọ 90 tuổi. Là một tên tuổi lớn trong lãnh vực dân tộc học thế giới, giáo sư Condominas đã xây dựng sự nghiệp nghiên cứu của mình trên nền tảng quan sát, ghi nhận và phân tích cuộc sống thực tế của sắc dân thiểu số Mnong Gar tại làng Sar Luk ở Cao Nguyên Trung phần Việt Nam cách nay 6 thập niên.
Nếu tên tuổi của Georges Condominas, và đóng góp của ông, đặc biệt vào việc nghiên cứu các dân tộc ít người ở Việt Nam đã được giới chuyên môn biết đến từ lâu, thì phải chờ đến những năm đầu thế kỷ 21 này, quảng đại quần chúng đặc biệt là ở Pháp và ở Việt Nam mới được nghe nói đến ông qua hai cuộc triển lãm, ở Paris năm 2006, và ở Hà Nội một năm sau.
Trong thời gian qua, và nhất là từ khi tin ông qua đời được loan báo, đã có khá nhiều bài viết về vị trí của Georges Condominas trong ngành nghiên cứu dân tộc học Pháp cũng như thế giới, về đóng góp của ông vào việc tăng cường hiểu biết về các sắc dân thiểu số tại Việt Nam nói chung và tại vùng Tây Nguyên nói riêng.
Tất cả đều nhấn mạnh đến giá trị “nghiên cứu thực địa” của các công trình khoa học của ông, khởi nguồn từ hai năm sống tại làng Sar Luk, của người Mnong Gar, gần Đak Lak, ở miền Trung Việt Nam, nơi ông đã phát huy óc quan sát, để ghi nhận một cách trung thành nhất cuộc sống xã hội của ngôi làng.
Hai tác phẩm rất nổi tiếng, có thể nói là đã giúp Condominas thành danh, đều đã bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tiễn đó : Chúng tôi ăn rừng (Nous avons mangé la forêt - 1957) và Kỳ lạ là chuyện thường ngày (L'Exotique est quotidien - 1965).
Claude Lévi-Strauss (1908-2009), cây đại thụ trong ngành nhân học và dân tộc học thế giới đã hết sức chú ý đến công trình của Georges Condominas, được ông mệnh danh là “Văn hào Proust của ngành dân tộc học”. Marcel Proust (1871 - 1922) là một đại văn hào Pháp, tác giả của tiểu thuyết Đi tìm lại thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu), từng được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới trong mọi thời đại.
Nói về quyển Nous avons mangé la forêt, Claude Lévi-Strauss đã viết : « ‘Chúng tôi ăn rừng’ đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, có đặc trưng là gắn bó sâu sắc với thực tế bản địa… ».
Chính vì sự gắn bó chặt chẽ của Georges Condominas với làng Sar Luk mà cái chết mới đây của ông đã được nhiều người đồng hóa với sự ra đi của chứng nhân cuối cùng của văn hóa Mnong Gar.
Phát biểu nhân lễ an táng Georges Condominas hôm 22/07/2011, một trong những người con trai của ông nhắc lại rằng ngay từ năm 2006, lần sau cùng mà Condominas trở lại Sar Luk, vị trưởng làng khi ấy đã gọi ông là ‘’người Mnong cuối cùng’’ và tiên đoán rằng : « Anh cũng sẽ phải ra đi, (và với anh), chính nền văn hóa của chúng tôi sẽ đi theo ».
Để hiểu rõ thêm về vị trí của ông Condominas trong giới nghiên cứu về các sắc dân thiểu số, ở miền Tây Nguyên Việt Nam, RFI đã phỏng vấn anh Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu dân tộc học tại Paris, chuyên về người Thượng ở Cao nguyên Trung phần.
Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy tại Paris
Theo anh Huy, Georges Condominas đã đóng góp rất nhiều vào việc giúp hiểu biết về người Thượng Tây Nguyên, chính xác là về một sắc tộc duy nhất là Mnong Gar, chứ không phải là tất cả 19 sắc dân trong vùng này.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đăng ký