VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Hoa Kỳ vẫn không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong bản báo cáo thường niên  về tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách CPC
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong bản báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách CPC DR

Hoa Kỳ tiếp tục duy trì 8 nước trong bản danh sách đen của các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, trái với khuyến cáo của nhiều tổ chức và chính khách, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn không đưa Việt Nam trở lại danh sách này.

Quảng cáo

Như thông lệ, hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo thường kỳ về tự do tôn giáo trên thế giới, dựa trên các cứ liệu của sáu tháng cuối năm 2010. Kèm theo bản phúc trình này là phần đánh giá các nước theo mức độ tôn trọng quyền tự do tôn giáo, và đặc biệt là « danh sách đen » của các quốc gia bị liệt vào diện ‘’Countries of Particular Concern’’, gọi tắt là CPC, tức là các nước đáng quan ngại nhất trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Đối với bộ Ngoại giao Mỹ, các quốc gia bị liệt vào danh sách CPC là những Nhà nước đã tiến hành hay dung túng “các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo” trong đó có các hành vi ngược đãi, sách nhiễu, bạo hành, kỳ thị và giam cầm các cá nhân vì lý do tôn giáo, cũng như cấm đoán những tôn giáo không được Nhà nước chấp thuận.

Trong danh sách lần này vẫn có 8 nước : Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Eritrea, Sudan, Ả Rập Xê Út và Uzbekistan, không thay đổi so với danh sách có từ năm 2009 đến nay. Khi bị đưa vào danh sách CPC, một nước hoàn toàn có thể bị Hoa Kỳ áp dụng một số biện pháp trừng phạt, điều đã xẩy ra đối với 6 nước, ngoại trừ Ả Rập Xê Út và Uzbekistan.

Bên cạnh danh sách đen kể trên, còn có 10 quốc gia khác bị xếp vào diện còn thiếu sót trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Việt Nam nằm trong số các nước này, bên cạnh Afghanistan, Ai Cập, Irak, Nigeria, Pakistan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Venezuela.

Sự kiện Việt Nam chỉ nằm trong danh sách thứ hai đã gây ra phản ứng bất bình từ các tổ chức hay chính khách Mỹ đã từng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Xin nhắc lại là Việt Nam từng bị đưa vào danh sách này vào năm 2004. Nhưng đến năm 2006, trước lúc tổng thống Mỹ George W. Bush đến Hà Nội dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hoa Kỳ đã xóa tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC.

Tuy nhiên ngay sau đó, liên tiếp từ năm 2006 đến nay rất nhiều người đã đòi đưa tên Việt Nam trở lại danh sách CPC, vì cho rằng chính quyền Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo, với các vụ việc nổi cộm như vụ giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, hay vụ Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng...

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ USCIRF, cơ chế tham vấn cho chính quyền Mỹ trong lãnh vực tôn giáo, cũng đã thường xuyên đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Phát biểu vào hôm qua, ông Leonard Leo, chủ tịch Ủy ban này, đã tỏ ý lấy làm tiếc là danh sách CPC không có thêm nước mới. Còn dân biểu Ed Royce thì tố cáo bộ Ngoại giao Mỹ là đã phạm « sai lầm nghiêm trọng » khi để Việt Nam bên ngoài danh sách CPC.

Dẫu sao thì dù cho không liệt Việt Nam vào danh sách đen, chính quyền Mỹ cũng phê phán những yếu kém của Hà Nội trong lãnh vực tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Phần nói về Việt Nam trong bản báo cáo công bố hôm qua dài 20 trang, ghi nhận tình hình đã được ông Michael Posner, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động tóm tắt như sau :

“Việt Nam đã có một vài cải thiện, những vẫn còn một số bước lùi. Chính phủ cho phép xây dựng thêm hàng trăm nơi thờ phượng, nhưng vẫn còn tồn tại những vi phạm nghiêm trọng, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương…”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế