ASEAN - BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

Biển Đông: Hành vi hung hăng của Trung Quốc sẽ bị nêu lên tại ARF ?

Bãi Tư Chính.
Bãi Tư Chính. @amti.csis.org

Việc Trung Quốc cho tàu khảo sát tiến vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, đồng thời cho tàu hải cảnh quấy rối công cuộc khai thác dầu khí của Việt Nam, được giới quan sát cho là sẽ được nêu lên nhân Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, với cuộc họp thường niên cấp ngoại trưởng mở ra ngày 02/08/2019.

Quảng cáo

Tại diễn đàn này, chắc chắn Việt Nam sẽ lại tố cáo Trung Quốc, như đã làm tại Hội Nghị Các Ngoại Trưởng ASEAN hôm 31/07 vừa qua, và trước đó thông qua những tuyên bố liên tiếp của bộ Ngoại Giao Việt Nam, kêu gọi đích danh Trung Quốc là phải rút tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nếu ở Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN, tiếng nói của Việt Nam tương đối lẻ loi do thái độ không muốn đụng chạm Trung Quốc của nhiều nước Đông Nam Á, thì tại Diễn Đàn An Ninh ARF, tình hình sẽ khác.

Việt Nam trước hết có thể có hậu thuẫn của Mỹ, một thành viên ARF. Ngay khi thông tin về vụ Bãi Tư Chính được tiết lộ, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng đả kích Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Và không chỉ có chính quyền Mỹ, mà từ Hạ Viện cho đến Thượng Viện Hoa Kỳ, các tiếng nói bênh vực Việt Nam, phê phán Trung Quốc cũng vang lên. Thậm chí, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ còn không ngần ngại tuyên bố « sát cánh » cùng Việt Nam.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, Việt Nam dường như cũng có sự hỗ trợ ngầm từ Nga. Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft hiện đang khai thác một lô dầu khí ngay trong vùng biển mà Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của họ. Trang tin Nga Sputnik tại Việt Nam từng tiết lộ rằng sau khi có tin về vụ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính, chính tổng thống Nga Putin đã gởi một thông điệp cá nhân để cảm ơn chi nhánh Rosneft tại Việt Nam về việc phát triển lô dầu khí.

Nga cũng là một trong 27 nước có mặt tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ở Bangkok.

Ngoài Việt Nam, tại Diễn Đàn ARF, còn có một số nước khác cũng là nạn nhân của những vụ lộng hành của tàu hải cảnh và tàu dân quân Trung Quốc, do đó sẽ ủng hộ Việt Nam.

Malaysia chẳng hạn, mới đây đã lại thấy công việc khai thác dầu khí của mình tại vùng bãi cạn Luconia Shoals bị tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở.

Ngày 31/07/2019, đến lượt Philippines tiết lộ việc gởi công hàm phản đối vụ cả trăm tàu đánh cá Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ mà Manila kiểm soát tại Trường Sa. Gọi là tàu cá, nhưng nhiều nhà quan sát gọi đấy là tàu dân quân trá hình.

Trước đó, hôm 29/07, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận rằng năm tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải 12 hải lý của Manila trong tháng, mà không thông báo cho chính phủ. Theo ông, đó một hành vi « thiếu tôn trọng những thủ tục hoặc phép lịch sự thông thường ».

Công luận Philippines cũng đã hết sức bất bình sau vụ một một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines tại vùng Bãi Cỏ Rong rồi tháo chạy, bỏ mặc hàng chục ngư dân Philippines mà không cứu vớt.

Nhật Bản, thường xuyên bị tàu Trung Quốc sách nhiễu ở Biển Hoa Đông, hay là Ấn Độ, Úc… được cho là cũng bất bình với hành vi coi thường luật lệ quốc tế trên biển của Trung Quốc.

Chưa biết là các vấn đề liên quan đến các nước kể trên có được nêu lên nhân cuộc họp ARF hay không, nhưng nếu Việt Nam hay là Mỹ đề cập đến vụ Bãi Tư Chính, khả năng phản ứng đồng tình của các nước này rất cao, và Trung Quốc khó tránh khỏi bị chỉ trích, trực tiếp hay gián tiếp.

Về phần Việt Nam, theo Reuters, đối sách chống Trung Quốc của Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính là quốc tế hóa vấn đề, và đó là điều Việt Nam đã làm. Đây được coi là một thay đổi đáng chú ý vì cho đến nay, Việt Nam thường tránh vỗ mặt Bắc Kinh, vốn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương để dễ bắt nạt nước đối thoại với họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế