Tạp chí tiêu điểm

Châu Á : Ông già Noel cũng gặp khó khăn kinh tế

Đăng ngày:

Bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, Giáng sinh còn là dịp lễ hội đoàn tụ gia đình và tặng quà. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không ít đến xe mây của ông già Noel áo đỏ. Tại châu Âu, người Pháp cho biết họ sẽ tiết kiệm hơn, không vượt quá ngân sách 300 euro tiền quà và 300 euro cho chuyện ăn uống.

Không khí mua sắm quà tặng tại các ngôi chợ Noel (DR)
Không khí mua sắm quà tặng tại các ngôi chợ Noel (DR)
Quảng cáo

Người Đức thì tỏ ra vẫn hào phóng hơn với ngân sách bình thường 700 euro mua sắm tặng phẩm. Còn ở châu Á, thì thánh Nicolas có bị ảnh hưởng gì không ? Các thông tín viên từ các nước Úc, Nhật Bản và Cam Bốt tường thuật như sau. 

Mùa Noel trên đất Úc

Do chênh lệch múi giờ, đêm nay 24/12/2012, như thông lệ , lễ Giáng sinh mừng chúa hài đồng ra đời đến với Úc đầu tiên. Do vậy, Ông già Noel từ Na Uy cùng đàn tuần lộc ngang xích đạo đến nam bán cầu. RFI điện thoại cho nhà báo Vi Mạnh để xem đồng nghiệp có gặp ông già Noel hay chưa và thấy bao quà của cụ năm nay ra sau : 

Vi Mạnh / Sydney "…không ai dại gì mà giờ này cỡi tuần lộc vào xứ Kanguru với cái nóng 31 độ C….do chính phủ ban hành thuế đánh vào tháng này nên năm nay cây thông Giáng sinh treo hoa đèn vắng lèo tèo mà chúng tôi gọi là lom khom dưới núi tiều vài chú ……". 

Theo lời hướng dẫn của phóng viên Vi Mạnh , thánh Nicolas bay về Đông Nam Á. Không rõ bao nhiêu trẻ Việt Nam diễm phúc được hồng ân Thiên Chúa trong đêm nay ? Nhưng tại xứ chùa Tháp, Giáng sinh được xem là đã phục sinh nhờ vào đoàn quân mũ xanh bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc năm 1993.

Mùa Giáng sinh tại Cam Bốt

Năm năm trở lại đây, các trung tâm thương mại, cơ sở mua bán, nhà thờ Tin Lành, cơ sở truyền đạo… trong thủ đô Phnom Penh đón mừng Lễ Giáng Sinh hầu như đã trở thành cảnh tượng quen thuộc, một điều mà trước đây nhiều người không nghĩ nó trở thành một sự kiện có thể diễn ra trong đời sống xã hội xứ Chùa Tháp, một quốc gia đa số là phật tử thuần thành. Tuy nhiên có thể nói rằng sinh hoạt ăn mừng Giáng Sinh chỉ diễn ra tại thủ đô và một vài thành phố du lịch như Siêm Riệp, Kampong Som mà thôi.

Vào đêm 24 tháng 12 năm 1993, khi đạo quân gìn giữ hòa bình của LHQ tổ chức đón Lễ Giáng Sinh bằng cách cho chiếc xe chở ông già Noel chạy dạo trên các phố chính ở thủ đô Phnom Penh đã gây nhiều ngạc nhiên cho cư dân thành phố. Có thể đây là sự kiện nổi bật tại Phnom Penh với hình ảnh cây thông Giáng Sinh và ông già Noel râu tóc bạc phơ với bộ quần áo đỏ hồng đứng nhảy múa trên chiếc xe nhà binh.

Thời điểm năm 1993 là một khoảnh khắc lịch sử đáng trân trọng ghi nhớ tại quốc gia này, vì đó là lúc nền hòa bình mới được lập lại và tại xứ sở này có sự hiện diện đông đảo của lực lượng hòa bình LHQ.

Từ đó đến nay, mừng Lễ Giáng Sinh gần như trở thành thông lệ hàng năm, khi ngày càng có nhiều ngoại kiều đến lưu trú làm ăn tại xứ Chùa Tháp, cũng như không khí ổn định, thanh bình của thủ đô nên nhiều người có tiền, đặc biệt là giới trẻ đua nhau tổ chức ăn mừng ngày Noel dù họ không theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành.

Một điều không thể không nhắc đến, đó là sự phát triển các hội thánh Tin Lành, các cơ sở đạo Thiên Chúa, và các phái đoàn truyền giáo ở nước ngoài đến Cam Bốt, sau đó lan rộng đến nhiều địa phương xa xôi. Điều này cũng hình thành dần một tập tục mới trong xã hội khi nhiều người Khmer theo đạo mới thường đi đến nhà thờ làm lễ nhân ngày Giáng Sinh. 

Khung cảnh đón Noel

Cũng như mọi năm, trước ngày Giáng Sinh độ hơn một tuần, tại các phố chính của thủ đô, các cửa hàng, các siêu thị, các khách sạn, ngay cả tiệm bán mỹ phẩm cũng trang hoàng một ít màu sắc ngày Giáng Sinh như hình ảnh cây thông màu xanh, những loại hoa giấy trước cửa hàng.

Có những cơ sở mua bán lớn nơi có đông khách hàng thì trưng bày cây thông cao lớn bên ngoài, còn bên trong thì cho nhân viên ăn mặc bộ quần áo ông già Noel để tiếp khách cũng như làm cho cơ sở mua bán của mình thích hợp với thời điểm Noel.

Có một hình ảnh khá vui trong những ngày gần cuối tháng 12, khi vài gia đình đi chợ mua cho con em họ các bộ quần áo của ông già Noel, nhưng nhỏ nhắn, mới tinh để các em bé mặc vào đi chơi trên đường phố nhân ngày Giáng Sinh.

Sinh hoạt tại các trường học, đặc biệt là trường tư chuyên dạy Anh Ngữ thì giới trẻ tổ chức ăn tiệc, ca múa nhảy hát. Các bài ca Giáng Sinh cũng được nghe thường xuyên tại các cửa hàng mua sắm hay siêu thị lớn trong thành phố.

Năm nay do ảnh hưởng khó khăn kinh tế toàn cầu nên mọi người có thể mua sắm không nhiều, nhưng đi ngắm thì không ít, tuy nhiên sinh hoạt gần đến ngày Noel vẫn được duy trì, không khí lễ hội và đón mừng năm mới cũng không kém háo hức.

Một điều không thể không nói đến là số lượng người nước ngoài đến sinh sống làm ăn, làm việc ngày càng nhiều tại Phnom Penh, họ đã mang theo tập tục đón mừng Giáng Sinh nơi quê hương họ đến xứ Chùa Tháp. Điều này tất nhiên cũng ảnh hưởng đến người Cam Bốt, vì lôi kéo theo các dịch vụ liên quan đến ngày Giáng Sinh như thực phẩm cho các buổi tiệc, người phục vụ, đi chơi nhân thời điểm cuối năm….

Chưa kể đến nhiều người da trắng đến Cam Bốt lấy vợ Khmer và sinh con đẻ cái, và rồi những người Khmer này cũng đón mừng Giáng Sinh cùng với chồng. Thời gian và sự giao lưu của nhiều nền văn hóa từ từ đã hình thành một truyền thống mới trong xã hội Phật Giáo, đó là sinh hoạt nhộn nhịp, vui tươi để đón Giáng Sinh. 

Mùa Noel tại Nhật Bản  

Sau vùng đất Phật, RFI mời quý thính giả sang quê hương Thần đạo. Giáng sinh tại Nhật mang sắc thái đặc thù hướng nội theo tường thuật của thông tín viên Đỗ Thông Minh sau đây :

“Do các tín đồ Thiên chúa giáo đầu tiên từ thế kỷ 15 bị đàn áp dã man nên những người đạo gốc họ đón Giáng sinh một cách khép kín hướng nội…Ngoài khu thương xá năm nay có môt cây thông bằng vàng trị giá 4 triệu đôla gây tò mò cho nhiều người...” 

Ban biên tập đài RFI xin cảm ơn các thông tín viên Đỗ Thông Minh, Vi Mạnh, Phạm Phan và xin chúc quý thính giả và gia quyến một ngày lễ Giáng sinh thật an lành hạnh phúc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế